Bài cuối: Trách nhiệm của sĩ phu thức giả

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:14, 12/04/2012

(HNM) - Thời nào cũng vậy, sĩ phu thức giả là thành phần trí thức, đại diện cho trí tuệ dân tộc. Trong triều Lý, lúc đề bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã viết mấy dòng lưu thiên cổ: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…".

Từ nhà Lý đến nhà Nguyễn sau này, thời nào cũng có bậc sĩ phu thức giả đóng góp ý kiến khi đất nước trước nguy cơ bị xâm lược hay tỏ rõ thái độ trước các tệ nạn trong giới quan trường.

Tượng đài Nhà bác học Lê Quý Đôn.

Chu Văn An (1292-1370) quê ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì), nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là bậc hiền Nho, một tấm gương tiết tháo, suốt đời không màng danh lợi. Nhận thấy tài năng và đức độ của Chu Văn An, vua Trần Minh Tông (1314-1329) đã mời ông ra làm Tư nghiệp Trường Quốc Tử Giám dạy học cho thái tử. Đến đời Trần Dụ Tông, thế sự thay đổi, vua quan ăn chơi sa đọa, gian thần tham nhũng, đục khoét dân nghèo ngày càng nhiều. Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, Chu Văn An đã nhiều lần can ngăn nhưng vua không nghe và ông đã dâng sớ xin vua chém 7 nịnh thần nhưng bất thành nên cáo quan về dạy học, viết sách cho đến lúc mất. Đây là tờ sớ mang dấu ấn lịch sử rất quan trọng, Tiến sĩ Lê Tung dưới triều vua Lê Thánh Tông và Lê Tương Dực, tác giả của "Đại Việt thông giám tổng luận" viết: "Thất trảm chi sớ nghĩa động quỷ thần". Danh sĩ Nguyễn Văn Lý (thế kỷ XX) có thơ:

Thất trảm vô vi tồn quốc luận
Cô vân tuy viễn tự thân tâm

(Nghĩa là: Sớ thất trảm không được thi hành, cả nước bàn luận. Đám mây tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng).

Xuất thân dòng khoa bảng, Lê Quý Đôn có kiến thức uyên bác trong nhiều lĩnh vực như: lịch sử, địa lý, thiên văn, lý số, khoa học, kinh sách và thơ văn… trong đó sách "Vân đài loại ngữ" của ông được coi là bộ Bách khoa toàn thư hoàn hảo nhất thời Lê trung hưng. Trong bối cảnh vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong khiến bảng nhãn Lê Quý Đôn ý thức được hiểm họa thường lặp lại của lịch sử là mỗi lần nước Nam rối ren suy yếu thì kẻ thù lại dòm ngó, xâm lăng. Vì thế Lê Quý Đôn đã khuyến cáo triều đình 5 nguy cơ mất nước gồm: một là sĩ phu thức giả ngoảnh mặt đi trước thời cuộc; hai là xã tắc tham nhũng tràn lan; ba là binh kiêu ngạo, tướng thoái hóa; bốn là học trò không kính trọng thầy giáo và năm là trẻ con khinh thường người già. Lê Quý Đôn vốn tinh thông về lý học, biết trời đất hết vơi rồi lại đầy, hết đầy rồi lại vơi, nhưng theo ông thì phải "tận nhân lực mới tri thiên mạng".

Đặng Huy Trứ (1825-1874) nổi tiếng thông minh, dĩnh ngộ từ nhỏ. Khoa thi Hội năm 1847, ông lọt qua các vòng thi Kỳ coi như đã chắc chắn đỗ tiến sĩ, nhưng khi vào thi Đình lần cuối chẳng may bài thi phạm húy, thế là bị cách tuột và cấm thi suốt đời. Biết tài học của ông, một vị quan lớn đương triều đã mời ông về dạy học cho con em trong nhà và cho tới 8 năm sau, nhờ vị quan nọ tâu xin với vua nên ông được thi lại và lại đỗ tiến sĩ. Ra làm quan, Đặng Huy Trứ lần lượt trải các chức: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương, Tri phủ Thiên Trường (Nam Định). Một thời gian sau, ông được triệu về kinh làm Hàn lâm viện trước tác rồi Ngự sử. Ông là người đầu tiên mang nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam khi mở hiệu ảnh ở phố Thanh Hà (Hà Nội) vào năm 1868. Là mệnh quan của triều đình nhưng ông cũng là nhà thơ và đặc biệt bộ sách "Từ thụ yếu quy" gần 2.000 trang của ông có nội dung chuyên về chống hối lộ tham nhũng. "Từ thụ yếu quy" nghĩa là nguyên tắc chủ yếu của việc từ chối và có thể nhận những thứ biếu xén mà người có chức quyền cần luôn luôn tỉnh táo phân biệt để giữ mình. Mở đầu cuốn sách, ông viết: "Trong ba chữ răn mình của nhà quan thì chữ thứ nhất là Thanh. Thanh là liêm khiết giữ mình, không lấy của ai mảy may". Ông rút ra 104 kiểu hối lộ quan chức mà từ Hán gọi là "tang". Tuy là mệnh quan triều đình, nhưng từ việc làm đến lời nói đều nhất quán với cái tâm, cái đức của bậc thức giả. Ông quan niệm, bổn phận của người làm quan trước hết là phải vì dân "Không chăm sóc dân chớ làm quan" và "Vì dân, bệ ngọc giải oan khiên…".

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) không chỉ học cao biết rộng mà còn có tài tiên đoán trước mọi sự việc nên dân gian tôn ông là Trạng. Một lần Trạng phụ trách buổi giảng sách, đề giảng chỉ là một câu trong sách Luận ngữ: "Vị quân nan, vị thần bất dị" (Làm vua khó, làm tôi không dễ). Bài giảng liên quan đến cung cách trị nước của vua nên đã gây sự chú ý của bọn nịnh thần, chúng chuẩn bị cả một kế hoạch để Trạng tự chuốc tai vạ cho mình. Trạng đã đoán trước nên vẫn đặt cho mình ở một tư thế sẵn sàng, điềm tĩnh và tự tin. Quả nhiên, theo kế hoạch của chúng, Thái tử khơi mào: "Thế nào là làm tôi không dễ"? Và ông trả lời từ tốn: "Tâu điện hạ, nếu chỉ biết nhắm mắt phục tùng để hưởng lợi về mình, dùng mưu mô xiểm nịnh để đưa vua vào con đường lỗi đạo và muôn dân phải gánh phần tai họa thì không khó. Còn như nếu hết lòng vì nước mà hiến mưu cao, chước lạ, đem lời trung chính mà can ngăn vua thì không những nghĩa vụ của mình sẽ được làm tròn mà còn phúc lây đến trăm họ. Được như thế dễ có mấy người. Làm tôi như vậy thật không dễ". Những lời lẽ đó không chỉ cảnh báo đám nịnh thần mà còn hàm ý làm vua phải có trách nhiệm với giang sơn.

Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) là một trong những văn thần xuất chúng của xứ Đàng Trong. Năm 1750, Nguyễn Cư Trinh giữ chức Tuần phủ Quảng Ngãi. Một năm sau khi nhận chức, Nguyễn Cư Trinh đã dâng thư lên chúa. Sách "Đại Nam thực lục" chép như sau: "Tháng 10-1751 (năm Tân Mùi), Nguyễn Cư Trinh có dâng một bức thư nói về tình trạng khốn đốn của dân và ông chỉ ra bốn thói xấu của quan phủ và quan huyện". Một trong bốn thói xấu là các quan phủ, quan huyện chỉ trông cậy vào sự tra hỏi, bắt bớ mà kiếm lộc và Nguyễn Cư Trinh tâu rằng chúa nên định lệ cấp bổng lộc thường xuyên cho họ, đồng thời căn cứ vào sự thanh liêm hay tham lam, sự siêng năng hay lười biếng của họ để tiến hành thăng giáng hoặc truất bỏ quan chức.

Kể ra vài chuyện trên để thấy rằng từ nhà Lý đến nhà Nguyễn, thời nào cũng có các bậc sĩ phu thức giả có sự hiểu biết sâu, tầm nhìn rộng và những góp ý của họ cất lên từ đáy lòng. Và nếu không phải là người trung quân, ái quốc thực sự ưu thời mẫn thế, thì quyết không thể nói được mà quan Nguyễn Thiện thời vua Lê Thánh Tông nói đến mức vua phát cáu nhưng vẫn nói lời phải là một ví dụ.

Nguyễn Ngọc Tiến