Vốn ít, sức cạnh tranh yếu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 11/04/2012
Sản phẩm dưa chuột muối đóng hộp xuất khẩu của Công ty cổ phần Quốc tế Hà An tại Khu công nghiệp Hapro, Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt
Quy mô sản xuất nhỏ
Hiện nay cả nước có 8.749 DNNN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, chiếm trên 3,5% tổng số DN cả nước nhưng có tới 90% DNNN chỉ có vốn dưới 10 tỷ đồng. Khoảng 6,5% DNNN có vốn từ 10-50 tỷ đồng và chỉ hơn 1% có vốn trên 200 tỷ đồng. Quy mô sản xuất nhỏ, nguồn vốn ít đã gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD) cũng như mở rộng thị trường của các DNNN cả ở trong nước và nước ngoài. Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp, năng lực tài chính của các DNNN còn nhiều hạn chế, chưa đủ điều kiện thế chấp các khoản vay lớn nên ngân hàng dè dặt. Do đó, việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước hay ngân hàng thương mại đối với DNNN càng khó khăn.
Phó Trưởng ban Đổi mới DN (Bộ NN&PTNT) Phạm Xuân Hòa cho rằng: Hiện nay tình trạng thiếu vốn đối với các DNNN là bài toán nan giải và chưa có cách giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, các DNNN còn gặp nhiều trở ngại về trình độ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động SXKD lạc hậu, tay nghề người lao động thấp nên chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao. Mặt khác, do chi phí giá thành sản xuất đầu vào cao nên sản phẩm hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập kinh tế và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, do thiếu thông tin về thị trường và các quy định về hàng rào thương mại quốc tế nên DNNN rất ít có khả năng xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài mà phần nhiều mới chỉ thực hiện làm gia công hoặc bán hàng qua khâu trung gian, khiến giá trị nông sản Việt thấp, lợi nhuận không cao. Ngay tại "sân nhà", hoạt động của các DNNN trong nhiều lĩnh vực cũng phụ thuộc vào DN nước ngoài. Ví dụ, điển hình là việc DNNN nước ngoài có mặt trên lãnh thổ Việt Nam đang nắm giữ phần lớn thị phần thức ăn chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tuy chỉ có 56 trong tổng số 233 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang hoạt động trên cả nước nhưng các DNNN nước ngoài lại giữ hơn 60% thị phần, trên 60% sản lượng. Riêng với thức ăn cho tôm, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Uni President, CP, Tom Boy… đang nắm trong tay tới 95% thị phần. Còn trong lĩnh vực giống cây trồng, ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho rằng, thị trường hạt giống ở nước ta rất tiềm năng nhưng các DNNN trong nước còn nhỏ bé, ít vốn, công nghệ lạc hậu, chỉ chiếm thị phần không đáng kể so với các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, nên nguy cơ DNNN nước ta trở thành nhà phân phối cho các công ty đa quốc gia nhiều khả năng sẽ xảy ra trong tương lai không xa.
Gỡ khó, cách nào?
Để các DNNN Việt Nam cạnh tranh được với DNNN nước ngoài, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Phát triển chiến lược nông thôn), Nhà nước cần áp dụng chính sách đặc biệt khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất, sửa chữa máy móc nông nghiệp, chế biến thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các loại vắc xin phòng bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Cùng với đó, cần hỗ trợ các DNNN mở rộng thị trường thông qua các hội chợ thường kỳ hằng năm ở trong nước và nước ngoài, qua đó để quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách trực tiếp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các DNNN, ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn, Nhà nước nên ưu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết giữa DN và nhà khoa học để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh. Ông Hoàng Văn Tiệu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi khẳng định, trong lĩnh vực giống không có gì quá khó khăn trong việc chọn tạo ra những giống vật nuôi mà nước ta đang phải nhập, các nhà khoa học trong nước có thể nghiên cứu và tổ chức sản xuất được. Khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí nhà nước dành cho lĩnh vực này những năm qua có tăng nhưng vẫn còn hạn chế. Các DNNN trong nước chưa mặn mà do thời gian đầu tư dài, rủi ro lại cao. Vậy nên Nhà nước cần có những chính sách trợ giúp đủ mạnh để thu hút DN "bắt tay" với các nhà khoa học trong việc tổ chức chọn, tạo giống. Cùng với đó, theo GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, Nhà nước cần ưu tiên khâu đào tạo nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi và xây dựng cơ chế để nhà khoa học chuyên tâm vào công việc của mình. Cụ thể, các nhà khoa học phải được hưởng một tỷ lệ phần trăm lợi nhuận từ sản phẩm giống do họ tạo ra.