Đầu tư hạ tầng giao thông: Huy động tối đa mọi nguồn lực

Chính trị - Ngày đăng : 07:36, 10/04/2012

(HNM) - Tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; Tập trung đầu tư để cơ bản hoàn thành việc cải tạo hệ thống giao thông khu vực nội đô vào năm 2015...


Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Huy Hùng

Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung

Hà Nội với diện tích tự nhiên trên 3.345km2, dân số thường xuyên và tạm trú trên 7 triệu người. Là trung tâm hành chính chính trị quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế và giao lưu quốc tế và là trung tâm giáo dục - văn hóa - y tế của cả nước, song Thủ đô đang phải đối mặt với nhiều thách thức về giao thông đô thị. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT Thủ đô còn rất thiếu. Các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 7-8% đất xây dựng đô thị (theo quy hoạch xây dựng Thủ đô phải tương đương mức 20-25%). Thiếu cầu, thiếu đường, trong khi lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh (12-15%/năm) đã khiến cho nhiều tuyến đường, nút giao thông quá tải. Diện tích đất cho giao thông tĩnh mới chỉ đáp ứng được gần 10% nhu cầu.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TƯ, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, ngay trong quý II-2012, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch GTVT của thành phố và các quy hoạch chuyên ngành phát triển vận tải thủy, vận tải đường sắt, vận tải hành khách công cộng, bến bãi đỗ xe… Trong chiến lược phát triển giao thông giai đoạn 2011-2015, Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến quốc lộ (QL), đường hướng tâm, đường vành đai, cầu qua sông, cầu vượt cho người đi bộ và các dự án đường sắt đô thị… Đây là các dự án nằm trong chiến lược đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khung của Thủ đô. Cụ thể: hoàn thành các tuyến QL 32 (đoạn Diễn - Nhổn), đường nối Nhật Tân - Nội Bài, đường 1A, QL 2 (đoạn Phủ Lỗ - Nội Bài); QL 6 (đoạn Ba La - Xuân Mai); đường cầu Vĩnh Tuy - Sài Đồng, Yên Viên, Ninh Hiệp… Cùng với đó sẽ đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án và triển khai thi công các tuyến: QL5 (đoạn Sài Đồng - Hưng Yên), đường tây Thăng Long, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài. Trong giai đoạn này, các tuyến đường vành đai sẽ được tập trung hoàn thành, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông. Các tuyến đường vành đai được ưu tiên triển khai thi công gồm: Vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, Hoàng Cầu - Voi Phục). Đường Vành đai 2 sẽ hoàn thành các đoạn Nhật Tân - Bưởi - Cầu Giấy, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, đoạn Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy. Vành đai 2,5 hoàn thành các đoạn Đền Lừ - Kim Đồng, Lê Văn Lương -Nguyễn Trãi - Đầm Hồng. Vành đai 3 hoàn thành giai đoạn 2 (đường trên cao) đoạn Mai Dịch - Pháp Vân, Mai Dịch - cầu Thăng Long, cầu Thăng Long - Nội Bài. Một số phân đoạn thuộc các tuyến Vành đai 3,5 và Vành đai 4 sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm đưa vào khai thác.

Không chỉ các tuyến đường hướng tâm, vành đai, Hà Nội cũng sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các tuyến đường kết nối trong nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông thành phố như: Đường Văn Cao - Hồ Tây, La Thành - Thái Hà - Láng, Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Tôn Thất Tùng kéo dài, Kim Mã - Trần Phú, Nguyễn Tam Trinh, đường nối Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Nguyễn Hoàng Tôn… Với hệ thống cầu, trong giai đoạn này sẽ hoàn thành cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, cầu Phù Đổng 2; xây dựng mới và cải tạo 35 cầu yếu…

Trong lĩnh vực vận tải, Hà Nội đang và sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, theo kế hoạch, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành vào năm 2014; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội hoàn thành vào năm 2016. Tập trung công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến buýt nhanh khối lượng lớn (BRT) Kim Mã - Hà Đông.

Chỉ nỗ lực của riêng Hà Nội là không đủ

Đề cập tới vấn đề phát triển GTVT Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: Đầu tư phát triển hạ tầng khung cho giao thông chính là nhằm tạo bước đột phá, mở đường cho phát triển KT-XH. Tuy nhiên, muốn giải quyết hiệu quả vấn đề này, chỉ sự quyết tâm và nỗ lực của Hà Nội sẽ là không đủ mà rất cần có sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, đặc biệt về nguồn vốn đầu tư và cơ chế, chính sách.

Theo Sở GTVT Hà Nội, ước tính, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển GTVT Thủ đô trong 5 năm tới vào khoảng 250 ngàn tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách thành phố, vốn ODA, vốn BT, BOT, vốn PPP… Đây là lượng vốn rất lớn và chỉ nguồn vốn từ ngân sách của TP sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ngoài khó khăn về vốn, những bất cập trong cơ chế, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án cũng đang là lực cản đối với TP và các nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết: Để triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng giao thông, TP sẽ xin phép Chính phủ cho Hà Nội thực hiện một số cơ chế đặc thù trong lập dự án, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách nhằm đẩy nhanh tiến độ; bố trí vốn từ ngân sách trung ương để đầu tư đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời, Hà Nội cũng đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc di dời các công trình bệnh viện, trường học, khu công nghiệp ra khỏi trung tâm TP theo quy hoạch nhằm giảm lưu lượng phương tiện, mật độ dân cư khu vực nội đô.

Nhằm giải quyết các khó khăn nói trên, tháng 3-2012 vừa qua, UBND TP đã có văn bản trình Thường trực Thành ủy Hà Nội kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Trong đó đề nghị các bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung, ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông tĩnh, phát triển vận tải hành khách công cộng trong điều kiện nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế. Đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai các dự án giao thông do Bộ làm chủ đầu tư, để phát triển mạng lưới khung về kết cấu hạ tầng giao thông…

Tuấn Lương