“Cắt giảm” là để thủ tục đi vào cuộc sống

Chính trị - Ngày đăng : 07:13, 10/04/2012

(HNM) - Theo Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về rà soát thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm, Bộ TN&MT sẽ rà soát 5 nhóm thủ tục thuộc lĩnh vực môi trường, đất đai có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng.


Đơn giản hóa thủ tục hành chính là một việc làm trọng tâm của Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Phương Thanh

- Là bộ quản lý nhà nước về nhiều lĩnh vực liên quan "sát sườn" đến đời sống người dân và xã hội, xin Thứ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ TN&MT về việc đơn giản hóa TTHC trong giai đoạn hiện nay?

- Bộ TN&MT quản lý đa ngành, đa lĩnh vực gồm đất, nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường, cấp phép dịch vụ công...; các lĩnh vực đó đều có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Chính vì thế, Bộ luôn nhận thức được cải cách TTHC là một việc làm trọng tâm. Trong quá trình phát triển thì những vấn đề phát sinh ngày càng nhiều, càng phức tạp; trong khi, công tác đơn giản hóa TTHC phụ thuộc nhiều yếu tố: Con người, nguồn lực... Đây là việc khó lại gắn liền với nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức mà nhận thức thì không đồng đều. Vì thế, Bộ cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đơn giản hóa TTHC, đặc biệt là với cán bộ công chức (CBCC).

- Cụ thể, để triển khai Quyết định 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT sẽ tập trung vào những nội dung gì?

- Theo Quyết định 263, Bộ TN&MT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các tỉnh, TP trực thuộc TƯ (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Long An), Cục Kiểm soát TTHC và Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC rà soát 5 nhóm TTHC có liên quan về: Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; bản cam kết bảo vệ môi trường; phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng (GPMB); thu hồi, giao đất, cho thuê đất và về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cả 5 nhóm TTHC này đều liên quan đến quyền lợi của người dân, mà phải bảo đảm quyền lợi cho người dân thì mới đòi hỏi trách nhiệm của họ được. Do đó, việc rà soát sẽ phải làm từng bước, khẩn trương nhưng kiên nhẫn chứ không thể nói hôm nay tháng sau thay đổi được.

Cũng theo Quyết định 263, Bộ TN&MT còn tham gia phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát 4 nhóm TTHC, quy định có liên quan: Về tiếp nhận bản khai hàng hóa điện tử; lĩnh vực chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành khai thác nhà máy điện; cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài gắn với thành lập doanh nghiệp và về thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

- Thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp cùng một thủ tục, nhưng các địa phương có những cách thực hiện khác nhau. Vậy trong công tác rà soát có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?

- Hiện các sở TN&MT quản lý 7 lĩnh vực, trong đó, các lĩnh vực đất đai, địa chất, khoáng sản, môi trường... đều đòi hỏi kiến thức tổng thể bởi liên quan đến chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, CBCC lại chưa thực sự chuyên nghiệp. Hơn nữa, các địa phương lại khác nhau về điều kiện, về độ "nóng" và sự phức tạp của các lĩnh vực. Đặc biệt, trình độ, hiểu biết, nhận thức của cán bộ, người dân mỗi nơi mỗi khác. Có văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhưng không phải ai cũng có điều kiện đọc và hiểu thấu đáo. Chính vì thế, Bộ đang cố gắng diễn đạt trong các VBQPPL làm sao để mọi người đọc và hiểu như nhau. Bên cạnh đơn giản TTHC thì cách giải quyết công việc, đạo đức công vụ cũng là vấn đề quan trọng để thủ tục được thực hiện thuận lợi.

- Quyết định 263 quy định việc rà soát, đơn giản hóa TTHC phải tương ứng với cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC, đó có phải là chỉ tiêu mà Bộ TN&MT hướng tới?

- Tôi cho rằng chỉ tiêu cắt giảm 30% là dễ, thậm chí có thể cắt giảm hơn. Song, bản chất của cắt giảm là để thủ tục đi vào cuộc sống thuận lợi, vì thế, Bộ TN&MT không chỉ cắt giảm cơ học mà đi vào bản chất. Chúng tôi xác định là bên cạnh cắt giảm phải làm sao để cán bộ cơ sở chuyên nghiệp hơn. Trên thực tế, những thủ tục cấp giấy phép đo đạc, khí tượng thủy văn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phương án đền bù GPMB đã khá rõ ràng nhưng chất lượng thực hiện của cán bộ cơ sở không tốt gây nên những bức xúc. Do đó, ngoài TTHC, ngoài VBQPPL còn phụ thuộc vào năng lực, hiểu biết về luật, tính thuyết phục của người làm công tác đó. Việc triển khai thực thi thủ tục rất quan trọng. Bộ TN&MT phấn đấu không chỉ cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC mà còn hoàn thiện 80 đến 90% việc đưa thủ tục vào cuộc sống theo hướng dễ thực hiện, sát thực tiễn, phù hợp với tất cả các địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

Hiền Chi