Tràn lan điểm trông giữ xe dưới gầm cầu

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:00, 10/04/2012

(HNM) - Điều 10 Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18-5-2011 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định:

Bãi trông giữ xe dưới gầm đường dẫn lên cầu Chương Dương.


Trong khi các quận nội thành đang thiếu điểm đỗ, trông giữ ô tô, xe máy thì nhiều mặt bằng mới đã được tận dụng khai thác như vỉa hè, lòng đường, sân trường học và cả ở dưới các gầm cầu vượt. Là cây cầu vượt đường bộ đầu tiên trên địa bàn Hà Nội, cầu vượt Ngã Tư Vọng (quận Hai Bà Trưng) được xây dựng để giải quyết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại nút giao thông này trong những giờ cao điểm. Song chỉ sau một thời gian được đưa vào sử dụng, phần mặt bằng dưới gầm cầu đã được tận dụng khai thác, trở thành điểm trông giữ ô tô, xe máy ngày và đêm. Khung rào sắt được dựng quây hai bên gầm cầu để phục vụ cho việc trông giữ. Ô tô, xe máy đến gửi dựng thành các dãy dài… Việc khai thác điểm đỗ ở dưới gầm cầu cũng diễn ra tương tự ở các gầm cầu vượt khác như Ngã Tư Sở (Đống Đa), Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) hay gầm cầu dưới chân đường dẫn lên cầu Chương Dương (Hoàn Kiếm)… Thậm chí, ô tô, xe máy trông giữ ở các điểm khai thác này còn vượt trội về số lượng bởi nhu cầu gửi xe ở khu vực khá cao, gầm cầu được thiết kế xây dựng dài hơn so với gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng. Theo ước tính, có đến cả nghìn lượt xe được gửi tại các điểm trông giữ này.

Không chỉ gầm cầu vượt mà gầm cầu đường bộ trên cao (đoạn qua Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai) cũng được tận dụng mặt bằng để kinh doanh dịch vụ: trông giữ xe, bán hàng ăn uống, rửa xe...

Việc sử dụng gầm cầu làm nơi trông giữ xe rất nguy hiểm, khiến nhiều người dân lo ngại. Ô tô, xe máy gửi nhiều ở các nơi này không chỉ tập trung nhiều chất gây cháy nổ như xăng, dầu mà các bãi xe cũng không thấy có thiết bị phòng cháy chữa cháy, nhân viên không có nghiệp vụ… khi xảy ra cháy nổ sẽ gây ảnh hưởng đến kết cấu, độ bền vững của cầu, nguy hiểm cho người lưu thông trên cầu và cư dân trong khu vực.

Nghị định 34/2010/NĐ-CP ra ngày 2-4-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ: "Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khai thác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ". Song tại những nơi kể trên, người dân địa phương cho biết, rất hiếm khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý.

Bài, ảnh: Phong Châu