Bài 1: Vua không minh, quan không liêm

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 09/04/2012

LTS: Nhân dịp các cấp, ngành, địa phương đang tích cực quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ4 (Khóa XI)

LTS: Hiện nay, nạn tham nhũng trong xã hội đang có nguy cơ phát triển. Nếu không có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sẽ trở thành căn bệnh trầm kha, gây bức xúc trong nhân dân, Đảng ta đã chỉ rõ, tham nhũng là một trong những nguy cơ làm mất lòng tin của dân với Đảng và Nhà nước. Nhân dịp các cấp, ngành, địa phương đang tích cực quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ4 (Khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Báo Hànộimới có loạt bài điểm lại những vụ tham nhũng lớn và những biện pháp chống tham nhũng trong lịch sử Việt Nam với mong muốn từ đó rút ra kinh nghiệm sâu sắc để phòng, chống loại "quốc nạn" này!

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", vua Lý Cao Tông chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền nhiều năm nên cơ nghiệp nhà Lý từ đấy mà suy. Năm 1179, Cao Tông xuống chiếu cấm không được đem mắm muối và đồ sắt lên đổi bán ở đầu nguồn, điều này chẳng khác gì bế quan tỏa cảng, làm cho kinh tế không phát triển.

Mùa thu, tháng 7-1199, nước sông Cái dâng to gây lũ lụt, lúa ngoài đồng ngập hết dẫn đến dân đói khắp vùng nhưng vua không đưa ra phương sách nào để cứu giúp dân chúng mà còn chu du khắp nơi. Xe vua đến đâu thấy nơi nào có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ, đến phủ Thanh Hoa vua còn bắt voi, chế nhạc Chiêm Thành để nghe và năm 1203 lại cho xây dựng rất nhiều cung điện làm hao tốn của cải.

Năm 1209, vua Cao Tông nghe theo lời gian thần Phạm Du giết oan tướng Phạm Bình Di. Bộ tướng của Bình Di là Quách Bốc đang trấn thủ Hoan Châu mang quân ra Thăng Long báo thù cho chủ. Vua Cao Tông và Thái tử Sảm bỏ chạy mỗi người một nơi. Quách Bốc lập con nhỏ của vua là Thậm lên ngôi. Thái tử Sảm chạy đến nương nhờ gia tộc họ Trần ở miền duyên hải và nhờ sức họ Trần mang quân về dẹp Quách Bốc. Dù dẹp được loạn nhưng từ đó quyền lực của họ Trần dần hình thành, bắt đầu từ Trần Tự Khánh và sau đó là Trần Thủ Độ. Năm 1210, vua Cao Tông chết, thái tử Sảm lên thay (tức Lý Huệ Tông) nhưng triều chính hoàn toàn nằm trong tay họ Trần. Cuối năm 1225, con gái Thượng hoàng Huệ Tông (bị ép truyền ngôi đầu năm) là Lý Chiêu Hoàng đã bị ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, Thượng hoàng Lý Huệ Tông sau đó còn bị Trần Thủ Độ ép tự tử vào năm 1226, chấm dứt hơn 2 thế kỷ trị vì Đại Việt của nhà Lý. Nhà Trần thay thế từ năm đó.

Nhà Trần trị vì đất nước vào lúc các dân tộc trên lục địa Âu - Á đứng trước mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm là đế chế Đại Nguyên. Nhưng nhờ đoàn kết và biết dùng tôi hiền nên triều Trần đã ghi công lao vào sử sách dân tộc với 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông. Triều Trần cũng có nhiều công lao trong xây dựng Đại Việt, song sau một thời gian hưng thịnh, nhà Trần đã đi vào con đường suy thoái và sụp đổ mà người làm cho chế độ này sụp đổ nhanh hơn là Trần Dụ Tông. "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Vua rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp nhưng từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó". "Đại Việt sử ký toàn thư" chép tiếp: "Trần Dụ Tông còn họp các nhà giàu như làng Đình Bảng ở Bắc Giang, làng Nga Đình ở Quốc Oai vào cung đình đánh bạc làm vui, một tiếng bạc đặt gần 300 quan tiền, ba tiếng thì đã đặt gần 1.000 quan…". Về chuyện vua đánh bạc, sách "Việt sử tiêu án" đã phê phán: "Làm vua một nước mà mở sòng đánh bạc để lấy hồ… thật đáng bỉ"; còn nhà sử học Phan Phu Tiên nhận xét: "Dụ Tông công nhiên làm bậy, gọi những nhà giàu vào cung đánh bạc rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng, vì tệ đánh bạc mà mất nước". Để có thêm tiền cung phụng cho các sở thích của mình, tháng Giêng năm 1362 (Nhâm Dần), Trần Dụ Tông sai tư nô cày một miếng đất ở bên bờ Bắc sông Tô Lịch để trồng hành, tỏi, rau dưa đem bán, gọi tên phường ấy là Vườn Tỏi và làm quạt đem bán cũng như thế. Đây có lẽ là kiểu vua kiếm tiền có một không hai trong lịch sử. Trần Dụ Tông là người ham mê rượu chè, một lần nghe nói có viên quan đang giữ chức Chánh chưởng Phụng ngự cung Vĩnh An tên là Bùi Khoan uống rượu rất giỏi, thế là vua cho gọi vào cùng thi uống rượu. Khoan lập mẹo uống dối hết 100 thăng rượu, được thưởng tước Hai tư. Cũng về chuyện rượu "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Tháng 4-1364 (năm Giáp Thìn), vua đi hóng gió chơi trăng. Vì uống rượu say quá nên lội xuống sông tắm, vì thế bị ốm. Sai quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh thay nhau hầu thuốc thang đến tận tháng 7 năm đó mới khỏi bệnh". Chưa hết, vào một đêm mùa hạ, tháng 6-1366 (năm Bính Ngọ), vua đi chơi ở hương Mễ Sở (nay thuộc Hưng Yên) đến canh ba mới trở về kinh, khi đến sông Chử Gia thì bị kẻ cướp chặn đường lấy mất cả gươm báu lẫn ấn. Cho rằng đó là điềm chẳng lành nên Trần Dụ Tông lại càng thả sức chơi bời.

Vào cuối triều Lê, Đông Kinh là nơi diễn ra những cuộc ăn chơi trác táng của vua "quỷ" Lê Uy Mục (trị vì từ 1505-1509), vua "lợn" Lê Tương Dực (trị vì từ 1509-1516). Lê Tương Dực chỉ lo ăn chơi và thích mở mang thổ mộc, đắp thành dài mấy ngàn trượng. Vua còn sai chế thuyền chiến để đi chơi Hồ Tây, bắt phụ nữ cởi trần bơi chèo, lấy đó làm sự thỏa thích. Lê Tương Dực nghe lời tâu xằng bậy của quan Hiệu úy là Hữu Vĩnh, đã giết chết 15 người trong tôn thất, toàn tước vương và tước công. Trăm họ lấy việc hoang chơi của nhà vua làm mối lo hàng đầu. Năm 1516, Trịnh Duy Sản giết chết vua Lê Tương Dực.

Đời vua Trần Duệ Tông (1372-1377), quan Hành khiển Đỗ Tử Bình được lệnh trấn giữ ở Hóa Châu (nay là vùng Bình - Trị - Thiên). Vua Chiêm khi đó là Chế Bồng Nga sai người đem 10 mâm vàng nhờ Đỗ Tử Bình dâng vua Duệ Tông với mục đích tạo mối hòa hiếu nhất thời để yên bề củng cố lực lượng, hòng đối phó lâu dài với Đại Việt. Nhận vàng xong, Đỗ Tử Bình đã giấu vua lấy làm của riêng, lại còn tâu vua những lời bịa đặt rằng: Chế Bồng Nga vô lễ, cần phải đem quân đi hỏi tội. Vua Duệ Tông tưởng thật, vô cùng tức giận liền cất quân đi đánh Chiêm Thành. Ngày 23-1-1377 (năm Đinh Tỵ), Duệ Tông cùng quân tướng đến cửa Thị Nại (nay là khu vực Quy Nhơn, Bình Định) thì bị Chế Bồng Nga dùng mưu đẩy vào vùng đất hiểm rồi vây đánh 4 bề khiến Trần Duệ Tông cùng một loạt tướng lĩnh trong triều như Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh chết trận, còn Ngự câu Vương Húc bị bắt sống. Trận này, Đỗ Tử Bình dù được giao chỉ huy hậu quân nhưng đã không đến cứu nên thoát nạn. Hồ Quý Ly lo việc quân lương ở phía sau, nghe tin vua chết cũng lập tức chạy về. Quân Đại Việt thua trận, triều đình sai bắt Đỗ Tử Bình rồi đóng cũi đưa về Thăng Long để trị tội, cũi nhốt Đỗ Tử Bình đi đến đâu đều bị dân hai bên đường chửi rủa và ném đá.

Con gái của vua Lê Thái Tông (chị của vua Lê Nhân Tông) là Vệ Quốc trưởng Công chúa, sinh năm 1439 nhưng từ bé đã không nói được, thuốc thang mãi nhưng đến năm 1448 vẫn không tiến triển. Tuy tuổi còn nhỏ, lại bị câm, song đến tháng 11-1448, Vệ Quốc trưởng Công chúa vẫn bị bắt gả cho Lê Quát là con trai của Thái úy Lê Thụ. Hôn lễ của Vệ Quốc trưởng Công chúa đã được sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép lại như sau: "Tháng 11, đem chị cả của vua là Vệ Quốc trưởng Công chúa gả xuống cho Lê Quát là con trai của quan Thái úy Lê Thụ. Bấy giờ, công chúa mới lên mười, mắc chứng câm không nói được. Vua xuống chiếu giao cho quan Tư khấu là Trịnh Khắc Phục làm chủ hôn. Khi ấy, Lê Thụ lo sắm lễ cưới, những kẻ ưa cầu cạnh hay tin liền tranh nhau đem nạp của cải để mong được hưởng phú quý. Gấm thêu, lĩnh, là, vóc, lụa... đang bày bán ngoài phố đều bị chúng tranh mua hết cả. Lê Thụ còn bắt quan lại ở khắp các trấn, lộ phải sắm đủ trâu, bò và các thứ lễ vật khác. Các quan địa phương cũng muốn lấy lòng Lê Thụ nên bắt quân lính và nhân dân đóng góp rất nhiều. Đài quan lúc ấy là Đồng Hanh Phát đã dâng sớ tâu hặc. Lê Thụ cởi mũ để tạ tội, nhưng lệnh của Lê Thụ đã trót gửi đi khắp nơi nên các quan địa phương vẫn đưa lễ vật tới nhà Lê Thụ. Lê Thụ không từ chối mà Đồng Hanh Phát cũng không nói đến nữa. Sau đó, Hanh Phát cũng mang lễ vật đến nhà Lê Thụ lạy tạ. Kẻ thức giả đều lấy đó mà chê bai".

Ở triều vua Lê Thần Tông, Lại bộ Hữu Thị lang Nguyễn Lại ăn hối lộ nên trong dân có câu hát: "Các chức bị viên/Lưỡng Bột tận điền". Nghĩa là: Nếu các chức mà tuyển bổ được đầy đủ thì hai làng Bột Thượng và Bột Hạ (Lưỡng Bột) sẽ hết sạch cả ruộng (Nguyễn Lại quê ở làng Bột Thượng). Hai câu có ý chỉ việc Nguyễn Lại ăn hối lộ nhiều sẽ thừa tiền để mua hết đất của hai làng Bột). Thời chúa Trịnh Tạc có 3 viên quan bẻ cong phép nước, ăn của đút lót đã bị xử là Thiêm đô Ngự sử Phùng Viết Tu, Thừa chính sứ xứ Sơn Tây Quách Đồng Đức và Tri phủ Quốc Oai Trương Văn Lĩnh. Ở Đàng Trong, thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, quyền thần Trương Phúc Loan tham lam vơ vét của công, của dân đến nỗi vàng trong nhà nhiều gấp mấy lần quốc khố của chúa Nguyễn. Băng đảng Trương Phúc Loan hoành hành, lũng đoạn khiến thế lực chúa Nguyễn Đàng Trong suy yếu, dẫn đến họa Phú Xuân, bị quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy chiếm đóng trước khi quân Tây Sơn khởi nghĩa chấm dứt cơ đồ ngót hai trăm năm của chín đời chúa Nguyễn.

Từ xưa đến nay, hễ vua sáng, tôi hiền thì quốc gia thái bình thịnh trị, dân chúng ấm no hạnh phúc. Bằng ngược lại, thượng bất chính thì hạ tắc loạn.
(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến