“Kéo” thế, “xuống” sao?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 09/04/2012
Tại hội nghị này, người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Phải kéo giảm số tử vong đến mức thấp nhất vì tử vong trẻ em do TCM thực sự là điều nhức nhối cho cả xã hội, ngành y tế và gia đình".
Đó là mục tiêu không chỉ của bà Bộ trưởng mà cả xã hội đều đang rất trông chờ. Nhưng xem ra, điều ấy trên thực tế còn nhiều vấn đề đáng lo.
Đến nay, đã sang năm thứ 8 dịch TCM xuất hiện ở Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, lẽ ra công tác phòng, chống dịch đã phải bài bản, thuần thục. Nhưng thật tiếc là thực tế chưa như mong đợi. Dịch bệnh không mới, virus không biến đổi nhưng số mắc và tử vong vẫn ngày càng tăng cao. Riêng năm 2011 có tới 169 trường hợp tử vong. Bộ Y tế đã có rất nhiều cuộc họp bàn cách chống dịch thế nhưng chính cơ quan điều phối phòng dịch này lại tỏ ra rất bị động, thậm chí khiến dư luận lo lắng về những biểu hiện chống dịch "kiểu phong trào".
Hội nghị tăng cường các biện pháp giảm tử vong do bệnh TCM tổ chức tại TP Hồ Chí Minh nói trên là hội nghị tầm cỡ toàn quốc, được kỳ vọng sẽ có nhiều gợi mở cho các địa phương trong phòng, chống dịch, song thông tin phản hồi lại đã cho thấy ít nhiều thất vọng. Vẫn chủ yếu là các báo cáo chung chung theo mô típ "truyền thống" của hầu hết các hội nghị, kể lể "thành tích" vốn là những việc mà trách nhiệm họ phải làm và liệt kê khó khăn về con người, cơ sở vật chất. Thậm chí có người còn "tự hào" cho rằng tỷ lệ mắc bệnh ở ta thấp hơn so với nhiều nước khác. Trong khi, nội dung trọng tâm của cuộc họp là tìm "các biện pháp giảm tử vong" dường như rất thưa vắng. Để rồi ngày hôm sau, theo dõi trên các mặt báo, tin tức về hội nghị rất quan trọng này vẫn như mọi bản tin trước, vẫn cập nhật số bệnh nhân, cùng với "quyết tâm tăng cường phòng chống dịch" của các cấp quản lý. Điều này phần nào lý giải việc suốt thời gian dài qua, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch vẫn được xem là rất kém.
Hội nghị đầu ngành còn kém chất lượng như vậy nên thực tế triển khai cũng bộc lộ nhiều điều đáng lo. Theo một đại diện của Bệnh viện Đa khoa An Giang, thực tế chống dịch ở tuyến cơ sở được miêu tả như chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác; ghi chép hồ sơ bệnh án không rõ ràng dẫn đến phân độ lâm sàng chưa phù hợp; theo dõi không sát; chuyển viện không an toàn; hỗ trợ hô hấp không cho thở máy sớm; thời điểm sử dụng thuốc chưa phù hợp... Toàn là những nguyên nhân thuộc chủ quan của ngành y tế. Còn với dân thì sao? Chính Bộ Y tế cũng nhiều lần phàn nàn việc tuyên truyền còn hạn chế. Mà tuyên truyền yếu là đương nhiên khi nó chỉ được triển khai qua loa, hình thức. Thực tế đã có nhiều phản ánh về việc người dân được phát Cloramin B nhưng về nhà bỏ xó vì họ không ý thức được hết mức độ cần thiết phải sử dụng, thậm chí không cả biết cách sử dụng.
Có thể nói, với kiểu phòng, chống "hớt váng", xem nhẹ việc ngăn ngừa, không dập tận gốc nên dịch TCM bùng phát mạnh trở lại là điều dễ hiểu. Và quan trọng hơn, ngay chính các đầu mối có trách nhiệm quản lý, điều phối phòng dịch còn chưa thể hiện đúng, đủ tinh thần trách nhiệm thì mong muốn "từ nay đến tháng 9 phải giảm một nửa số ca tử vong so với năm 2011" của bà Bộ trưởng sẽ thật khó thành hiện thực. Bởi "kéo" thế thì "xuống" sao được?