Lại nóng chuyện “chặt chém”
Du lịch - Ngày đăng : 06:05, 09/04/2012
Với cách làm du lịch khá năng động và cởi mở, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, khi chỉ còn gần một tháng nữa những màn pháo hoa rực rỡ được nhiều người mong đợi bắt đầu, tình trạng quá tải cùng sự tăng giá vô tội vạ của hàng loạt dịch vụ đã bắt đầu tái diễn. Nhiều công ty du lịch "toát mồ hôi" vì không theo kịp tiến độ tăng giá đến chóng mặt của các nhà hàng, khách sạn nơi đây. Trước thực tế trên, Đường dây nóng 0511.3812340 chống nạn "chặt chém" trong thời gian diễn ra cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2012 đã chính thức hoạt động. Sở VH,TT&DL Đà Nẵng đã gửi công văn yêu cầu gần 300 đơn vị kinh doanh khách sạn niêm yết giá công khai và không tăng giá quá 30%. Tại các bãi biển, bảng niêm yết rất chi tiết mức giá bốn dịch vụ phổ thông như thuê ghế, phao, áo phao, nước giải khát… cũng được dựng lên.
Tệ chèo kéo khách tại các điểm du lịch cần được dẹp bỏ. Ảnh: Đức Trí
Thành phố Huế, nơi diễn ra lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2012 cũng đang phải đối mặt với nạn đeo bám, chèo kéo, ép khách… Bên cạnh những quy định mới của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của Công an Thừa Thiên Huế và sự ra đời của Đường dây nóng: 0914050005 (hay 054.3847232), tình trạng an ninh trật tự ở Đại Nội, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, Quảng trường Ngọ Môn… đã bước đầu ổn định.
Còn tại Cửa Lò, dù hơn 2 tháng nữa mùa du lịch mới chính thức bắt đầu, nhưng ngay trong những ngày tháng 4 này, chính quyền địa phương đã đôn đốc các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ lưu trú, nhà hàng bảo đảm cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để chuẩn bị đón khách. Để có một mùa du lịch thắng lợi, ngành du lịch địa phương tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm: chỉnh trang môi trường xanh, sạch, đẹp; thành lập đội an ninh du lịch; kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý giá.
Vẫn chưa triệt để
Dù các địa phương đã nỗ lực nhưng theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, nhiều nơi mới chỉ "làm sạch" môi trường du lịch theo phong trào, giải quyết những bức xúc trước mắt của du khách chứ chưa đưa ra được những giải pháp có tính căn cơ, quyết liệt và triệt để. Càng vào các kỳ lễ, tết, sự kiện du lịch, mùa lễ hội… nạn "chém khách" càng trắng trợn, tràn lan. Thật khó để giữ giá lưu trú, dịch vụ ổn định khi mà cách nghĩ, cách làm của những người cung cấp dịch vụ không thay đổi.
Ngay trong đợt thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú trong tháng ba vừa qua, Thanh tra Sở VH,TT&DL và đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Đà Nẵng đã xử phạt 22 khách sạn do tự ý tăng giá. Đại diện một hãng lữ hành tại Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố miền Trung này chỉ có hơn 8.600 phòng khách sạn nên chắc chắn không thể đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khoảng 400.000 lượt khách đổ về đây chiêm ngưỡng lễ hội pháo hoa sắp tới. Kể cả khi không có cuộc thi bắn pháo hoa, giá các dịch vụ ăn uống, khách sạn… tại Đà Nẵng vào dịp hè cũng đã tăng từ 30-40% so với ngày thường. Có thêm cuộc thi này, ngay từ đầu tháng ba, các khách sạn đã báo giá gấp 3-4 lần bình thường. "Thực trạng này năm nào cũng tái diễn và khi lực lượng chức năng đến từng khách sạn kiểm tra thì họ vẫn niêm yết hai loại giá chênh lệch nhau 30% theo quy định", đại diện hãng lữ hành trên bức xúc.
Cũng trong đợt ra quân kiểm tra các cơ sở lưu trú 1-2 sao tại thành phố Huế giữa tháng ba, Thanh tra Sở VH,TT&DL đã phát hiện 4 cơ sở vi phạm không niêm yết giá phòng theo quy định. Tại chợ Đông Ba, điểm du lịch mua sắm nổi tiếng của Thừa Thiên Huế, nạn "chặt chém" vẫn đang hoành hành. Ngay cả những biện pháp mạnh mà UBND TP Huế đưa ra khi triển khai dự án xây dựng khu chợ này thành chợ văn minh - thương mại cũng không mang lại hiệu quả.
Lời giải là chia sẻ lợi ích
PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhìn nhận, tình trạng đeo bám, "chặt chém", ép khách là chuyện muôn thuở. Cứ khi nào cả nước tập trung làm quyết liệt thì tình trạng trên có được cải thiện nhưng chỉ cần buông lỏng một chút là lại đâu vào đấy. Năm 2000, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã tham mưu với Tổng cục Du lịch trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 07/2000 về “tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan, du lịch”. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, các địa phương hầu như không thực hiện. "Để dẹp nạn "chặt chém" cách tốt nhất là phải nhanh chóng thay đổi nhận thức của người dân. Thậm chí, để du lịch phát triển bền vững cần phải chia sẻ lợi ích với người dân. Chẳng hạn tại mỗi địa phương nên thành lập các tổ tự quản do người dân lập ra và quản lý. Kinh phí thu được sẽ do họ nắm giữ. Từ đó, họ sẽ biết cách bảo ban nhau làm thế nào cho thật tốt", PGS.TS Phạm Trung Lương đề xuất.
Theo ý kiến của các đơn vị lữ hành, sự tự giác và thấu hiểu lợi ích cá nhân song hành cùng lợi ích quốc gia của mỗi cá nhân, tổ chức làm du lịch là lời giải cho vấn nạn "chặt chém". Trên thế giới không ít quốc gia hay một vùng, miền đã lấy sự thân thiện và hiếu khách của chính mỗi người dân bản địa để tạo dựng thương hiệu cũng như làm thông điệp cho ngành du lịch. Tại sao chúng ta không làm được?