Những phiên chợ của chúng em

Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 08/04/2012

Vào những dịp như tổng kết học kỳ, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26-3, chào đón những ngày lễ lớn, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức hội chợ dành riêng cho HS. Đây là một hoạt động ngoại khóa mới mẻ và rất bổ ích. Chúng ta hãy cùng lắng nghe câu chuyện của các em và cô giáo về những phiên chợ độc đáo này nhé.

Em Nguyễn Phương Linh (học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn):

- Ngày 24-3 vừa qua, trường em đã tổ chức hội trại truyền thống, trong đó hoạt động ngoại khóa được nhiều lớp tham gia, nhất là mở những gian hàng ngay trong ngày hội trại. Mỗi lớp sẽ được dựng một khu lều, trang trí và bán các món hàng như đồ ăn, nước hoa quả, sữa chua, nem chua rán, quà lưu niệm, đồ chơi, chong chóng rất dễ thương. Vui nhất là mấy ngày trước phiên chợ, cả lớp em cùng sôi nổi bàn luận xem sẽ bán cái gì, trang trí gian hàng của mình thế nào để "hút" khách. Nhờ có sáng kiến tổ chức phiên chợ mà chúng em đã có những giờ thư giãn sau những ngày học tập cực kỳ căng thẳng, chuẩn bị bước vào đợt thi cuối cấp sắp tới.

Em Hoàng Thu Minh (học sinh lớp 10, Trường THPT Chu Văn An):

- Nhân ngày thành lập Đoàn, trường em có tổ chức hội chợ Aflatoun với rất nhiều phần thi hấp dẫn như: thi nấu ăn, thi trưng bày gian hàng, thi cây cảnh... Nhiều gian hàng được trang trí vô cùng đẹp mắt và các sản phẩm kinh doanh cũng rất đa dạng với những món ăn bọn em tự làm như bánh gối, chè thạch… kể cả những quyển sách, truyện, báo cũ cũng được các bạn bày bán. Các bạn nữ khi tham gia phần thi nấu ăn sẽ phải chuẩn bị một bữa cơm gia đình cho bốn người với số tiền chỉ 100.000 đồng. Qua phần thi này, bọn em biết thêm về nữ công gia chánh, hiểu hơn nỗi vất vả của mẹ khi phải chuẩn bị bữa cơm ngon lành cho cả gia đình mỗi ngày… Từ những hội chợ như thế, mỗi lớp đã có cơ hội để thể hiện tinh thần đoàn kết, khiến cho các thành viên trong lớp gắn kết với nhau hơn.

Cô Trần Thị Dung (giáo viên chủ nhiệm, Trường DL Nguyễn Siêu):

- Sáng kiến tổ chức hội chợ là một hoạt động "vừa học vừa làm" giúp HS trưởng thành hơn. Thông qua việc tổ chức các gian hàng, các em có cơ hội thực hiện những ý tưởng kinh doanh của mình cũng như trải nghiệm về các hoạt động tập thể, từ đó rèn luyện tính cách của bản thân, học cách làm việc nhóm. Năm ngoái, trường tôi còn tổ chức một hội chợ theo mô hình "chợ dân gian - chợ quê" tái hiện những trò chơi dân gian: ô ăn quan, đánh chuyền, kéo co, đánh cờ, những gánh quà rong tái hiện cuộc sống của Hà Nội xưa.

Từ phiên chợ quê, hình ảnh cô hàng xén, chú bán tò he, các cô gái quan họ trong chiếc áo tứ thân "mớ ba, mớ bảy" như từ trong trang sách bước ra, sinh động, ấn tượng và nhanh chóng đi vào lòng những cô cậu học trò hơn bất cứ bài giảng nào của thầy cô. Hội chợ dù chỉ tái hiện trong khuôn viên trường học nhưng sẽ là cầu nối, là một minh họa sinh động nhất, giúp các học sinh hình dung rõ hơn về những nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa của dân tộc. Những "chợ quê" sẽ bồi đắp cho các em tình yêu quê hương, đất nước.

Thanh Phong