Sách dạy trẻ tư duy, tại sao không?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:24, 08/04/2012

(HNM) - Tháng 4 đến, nhắc nhở những người quan tâm tới văn hóa đọc một sự kiện đang dần thành nếp:

Bên cạnh những câu chuyện muôn thuở được nói tới nhiều năm nay như bản quyền, xuất khẩu sách Việt ra thế giới, chênh lệch chất lượng sách… thì nhiều góc nhìn mới, chi tiết và hấp dẫn hơn dự kiến sẽ được đề cập tới. Đó là sách cho người già, cho trẻ em, sách cho vùng nông thôn… Thiết nghĩ với hướng đi này, sách triết học, hoặc khoa học tự nhiên… cho trẻ và phù hợp với trẻ cũng rất cần được nói tới.

"Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" có thể xem như là cuốn sách hiếm hoi kết hợp giữa ngôn ngữ, cốt truyện văn học với việc chuyển tải kiến thức khoa học tự nhiên, rèn luyện khả năng tư duy cho bạn đọc trẻ. Mặc dù tên tuổi của GS Ngô Bảo Châu là yếu tố "hút khách", song không thể phủ nhận sự hấp dẫn từ việc kết hợp giữa toán và văn trong tiểu thuyết "Toán hiệp" này. Điều đó mở ra một hướng làm sách nhằm cung cấp cho trẻ những kiến thức nền làm công cụ tư duy, tiếp cận tốt hơn các môn khoa học khác.

Ở nhiều nước, câu chuyện này không còn mới mẻ. Tiến sĩ triết học Oscar Brenifler (Pháp) đã xuất bản loạt sách triết học dành cho trẻ em như "Những nhà thông thái nhỏ" (NXB Nathan), "Album nhỏ về triết học" (NXB Autrement), "Dạy qua tranh luận" (NXB CRDP) hay "Thực hành triết học ở trường tiểu học". Cách đây một năm "Cuốn sách về những sự trái ngược mang tính triết học" của ông, do Jacques Després (Pháp) minh họa sinh động bằng ảnh ảo, đã được nhà báo Phan Quang chuyển ngữ sang tiếng Việt. Sự ra đời tác phẩm này với nhiều bậc phụ huynh như một tiếng "thở phào" nhẹ nhõm. Bởi nó giúp giải đáp được nhiều "nỗi băn khoăn thông thái" của con cái, thậm chí là của cả người lớn. Nào là hữu hạn - vô hạn, tự do - tất yếu, lý trí - đam mê… Ngôn ngữ trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu của tác phẩm cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà giáo, nhà khoa học. Con "ngoáo ộp" triết học bỗng trở nên hết đáng sợ, gần gũi và thiết thực hơn.

Ngày càng có nhiều NXB chú trọng hơn đến mảng sách này. Tuy nhiên, câu chuyện này không nên chỉ dừng ở một vài cuốn sách cụ thể khuyến khích trẻ nhận biết thế giới, rèn luyện khả năng phản biện… mà cần trở thành một phương pháp để chuyển tải những kiến thức kinh điển vốn khó tiếp nhận tới trẻ. Nói như nhiều dịch giả, nhà nghiên cứu thì bản thân giới khoa học cũng còn thiếu rất nhiều những cuốn sách mang tri thức nền của nhân loại. Sự tụt hậu này chỉ so riêng với một số nước trong khu vực cũng tính bằng vài chục năm, thậm chí cả trăm năm.

Vì vậy, làm ra những cuốn sách này cho trẻ có phải cũng là một cách chuẩn bị cho tương lai nước nhà?

Người Lái Đò