Bài 3: Khẳng định giá trị một công trình văn hóa

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:04, 08/04/2012

(HNM) - Như vậy, "hoang chuyện" bản gốc Tượng đài Thánh Gióng bị phá đã hoàn toàn rõ ràng, những nguồn cơn dẫn đến "sự cố thông tin" này đã được chúng tôi làm sáng tỏ trong hai số báo ra ngày 6 và 7-4. Sẽ còn nhiều băn khoăn, trăn trở, cũng như bài học kinh nghiệm cần được rút ra xung quanh sự việc này.

Có lẽ cũng cần khẳng định lại rằng, Tượng đài Thánh Gióng - một công trình văn hóa tâm linh trọng điểm hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được xây dựng hết sức công phu, hoành tráng với tất cả tấm lòng tri ân tổ tiên, nguồn cội, đã và đang được bảo vệ, giữ gìn cẩn trọng.

Thận trọng, chặt chẽ lựa chọn mẫu tượng

Ngày 5-10-2010, tại khu đền Sóc, Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và đông đảo nhân dân đã tổ chức lễ khánh thành Tượng đài Đức Thánh Gióng với nghi lễ trang trọng thành kính. Trong suốt một thời gian dài trước đó có rất nhiều việc phải triển khai, trong đó gặp không ít khó khăn, vướng mắc từ khâu lập dự án, sáng tác và lựa chọn mẫu tượng, lựa chọn địa điểm, huy động nguồn vốn, tổ chức thi công...

Tượng (gốc) Thánh Gióng sừng sững trên đỉnh Đá Chồng. (Ảnh chụp chiều 3-4, ít ngày sau khi có "hoang tin").

Theo ông Phạm Quang Long, giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo từ năm 2000. Cụ thể, từ tháng 10-2000 đến tháng 12-2002, sở Văn hóa - thông tin Hà Nội (nay là sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - PV) đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, hội thảo khoa học, tổ chức xin ý kiến về vị trí xây dựng tượng. Vị trí ban đầu là đỉnh núi Vai Rồng được thống nhất chuyển sang đỉnh Đá Chồng thuộc núi Sóc do bảo đảm về không gian cảnh quan và mang ý nghĩa dân gian truyền thống hơn. Ngày 28-4-2003, sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Hội đồng Quy hoạch Xây dựng tượng đài thành phố phát động cuộc thi sáng tác mẫu Tượng đài Thánh Gióng. Tiếp đó, ngày 2-5-2003, sở Văn hóa - Thông tin, Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về ý tưởng lịch sử, văn học - nghệ thuật trong sáng tác nhằm gợi ý thêm cho các tác giả. Chỉ trong 3 tháng, ban tổ chức đã thu được 28 phác thảo mẫu tượng. Sau hai vòng chấm, Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 4 phác thảo của các tác giả: Lê Đình Bảo, Nguyễn Kim Xuân, Nguyễn Hồng Ngọc và Lê Đình Quỳ vào bước 2. Từ ngày 23-12-2003 đến 22-3-2004, các phác thảo trên được trưng bày, lấy ý kiến nhân dân. Ban tổ chức và hội đồng nghệ thuật sau đó thống nhất giới thiệu 2 phác thảo đồng hạng của Nguyễn Kim Xuân, Lê Đình Bảo, có phân tích ưu, nhược điểm để thường trực Thành ủy và lãnh đạo UBND thành phố xem xét, quyết định. Sau khi tham khảo ý kiến của hội đồng nghệ thuật, tổng hợp ý kiến nhân dân, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã nhất trí lựa chọn phác thảo có mã số TD-01 của tác giả Nguyễn Kim Xuân làm mẫu Tượng đài Thánh Gióng (quyết định số 3179/QĐ-UB ngày 20-5-2004) và giao sở Văn hóa - Thông tin hướng dẫn tác giả tiếp tục hoàn thiện.

Công phu, hoành tráng xứng tầm Đại lễ

Để có Tượng đài Thánh Gióng linh thiêng, sừng sững trên đỉnh núi Đá chồng hôm nay cho đồng bào bốn phương về hành lễ là cả một quá trình lựa chọn, chuẩn bị, triển khai xây dựng hết sức công phu. Thực hiện quyết định số 3179/QĐ-UB ngày 20-5-2004 của UBND thành phố chọn mẫu Tượng đài Thánh Gióng để xây dựng tại đỉnh Đá Chồng, sở Văn hóa - Thông tin đã tiếp tục phối hợp với Hội đồng nghệ thuật, yêu cầu tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện mẫu tượng đài từ tháng 11-2004 đến tháng 8-2007. Tất cả có 8 lần chỉnh sửa. - Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội Phạm Quang Long nhớ lại.

Lần thứ nhất, ngày 11-11-2004, mẫu được hội đồng nghệ thuật góp ý chi tiết để chỉnh sửa các phần bờm, chân ngựa, tỷ lệ giữa các khối và chất huyền thoại... của tượng đài. Lần thứ hai, ngày 25-1-2004, hội đồng nghệ thuật đề nghị làm thêm 2 mẫu thể hiện riêng các ý kiến của hội đồng và đề nghị nâng cao mẫu cũ đã sửa, điều chỉnh yêu cầu thể khối, bố cục và bổ sung thêm tính huyền thoại của tác phẩm... Lần thứ 6, ngày 27-5-2007, đích thân Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tới thăm, đánh giá mẫu tượng qua nhiều lần chỉnh sửa và góp ý một số chi tiết về người (dáng, cơ bắp), ngựa (tỷ lệ trước, sau, một số chi tiết đầu ngựa) cũng như các chi tiết khác như mây, dải lụa, cây tre...

Xây dựng tượng đài, đặc biệt là Tượng đài Thánh Gióng, một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, là công việc không hề dễ dàng. Chính vì vậy, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã hết sức quan tâm, sâu sát. Ngày 9-8-2007, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và lãnh đạo UBND thành phố lại đến thăm mẫu, đồng thời lưu ý chỉnh sửa một số chi tiết đã góp ý lần trước đó. Ngày 18-8-2007, hội đồng nghệ thuật thống nhất đề nghị một số nhà điêu khắc trong hội đồng phối hợp với tác giả chỉnh sửa thêm, đề nghị thành phố cho chuyển chất liệu và dựng tượng dẹt. Ngày 1-9-2007, sở Văn hóa - Thông tin và một số nhà điêu khắc trong hội đồng nghệ thuật đã thăm, thống nhất mẫu đã được chỉnh sửa cơ bản đã đạt và làm thủ tục báo cáo thành phố cho phép chuyển giai đoạn, tổ chức dựng tượng dẹt để kiểm chứng vị trí, kích thước tượng đài trên thực tế. Để bảo quản mẫu tượng trong quá trình làm tượng dẹt và phóng mẫu tượng đất tỷ lệ 1/1, sở Văn hóa - Thông tin đã báo cáo và được UBND thành phố chấp thuận về việc chuyển chất liệu mẫu tượng từ đất sang thạch cao (mẫu cao 3m). Từ ngày 12 đến 16-6-2008, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn cùng tác giả dựng tượng dẹt, tỷ lệ 1/1 tại đỉnh Đá Chồng. Sau 6 ngày thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân, UBND thành phố đã phê duyệt về chiều cao, kích thước tượng đài và các bước tiếp theo (công văn số 1403/VP-VX ngày 3-7-2008).

Có thể thấy, quá trình xây dựng Tượng đài Thánh Gióng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, sự tham gia hết sức tâm huyết của tác giả, giới chuyên môn, đặc biệt là lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội từ khâu chọn mẫu, chỉnh sửa... Trong quá trình phóng lớn tượng đất tỷ lệ 1/1, tượng đất được thực hiện ở Bãi Nổi (Sóc Sơn) bắt đầu từ ngày 26-12-2008. Cũng từ thời gian này đến ngày 11-8-2009, hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ban, ngành đã họp, thăm và nhiều lần góp ý hoàn thiện mẫu. Sau khi Hội đồng nghệ thuật họp do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo chủ trì ngày 11-8-2009, tượng đất tỷ lệ 1/1 đã được nghiệm thu và được đồng ý chuyển mẫu tượng thạch cao tỷ lệ 1/1. Công việc được thực hiện trong hơn một tháng, lại được chỉnh sửa thêm một số chi tiết, ngày 19-10-2009, hội đồng nghệ thuật đã thống nhất nghiệm thu tượng thạch cao tỷ lệ 1/1. Trong quá trình chuyển chất liệu tượng đồng và dàn dựng tại hiện trường, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đơn vị được UBND thành phố Hà Nội chọn làm chủ đầu tư giai đoạn thực hiện dự án đã giao công ty TNHH Nam Đại Phong và nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng Vũ Duy Thuấn thực hiện. Ngày 23-9-2010, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội mời hội đồng nghệ thuật, các đơn vị liên quan, giới chuyên môn, tác giả Nguyễn Kim Xuân xem xét, đánh giá chất lượng nghệ thuật tượng đài sau khi đã hoàn thiện phần đúc đồng, lắp dựng tại hiện trường và đã thống nhất nghiệm thu.

Theo đánh giá của giới chuyên môn và đồng bào cả nước, đây là một công trình nghệ thuật quy mô lớn và xứng tầm với vị thế của Đức Thánh Gióng trong tâm thức người Việt cũng như xứng tầm công trình thế kỷ chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Một cách tri ân

Trong lễ khánh thành Tượng đài Thánh Gióng, đến dự, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh: xây dựng tượng đài trước hết để chúng ta tỏ lòng thành kính với một vị Thánh có công với dân với nước, đồng thời để chúng ta tỏ lòng biết ơn tổ tiên, nguồn cội đã có công dựng nước, giữ nước. Chủ tịch nước cũng chia sẻ những khó khăn và bày tỏ lòng khâm phục tình cảm tri ân, công lao, trí tuệ của bao người thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như những người tham gia xây dựng. Việc làm này không chỉ thể hiện lòng yêu Hà Nội mà còn là tình yêu đối với non sông đất nước.

Thánh Gióng là một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Để có Tượng đài Thánh sừng sững linh thiêng trên đỉnh Đá Chồng hôm nay cho bà con bốn phương về hành lễ, UBND thành phố Hà Nội, đồng bào cả nước đã đóng góp rất nhiều tâm huyết, công sức và của cải vật chất. Chính vì vậy, ngay khi có “hoang tin” bản gốc Tượng đài Thánh bị phá, dư luận đã hết sức bức xúc và hoang mang. Chúng tôi thiển nghĩ rằng, bất kể động cơ, mục đích là gì thì việc hoang truyền tin là điều không thể chấp nhận được. Hành động đó rõ ràng không phải là cách tri ân tổ tiên, nguồn cội.

* Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc nhận tổ chức xã hội hóa và tổ chức thực hiện dự án, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 4034/QĐ-UB ngày 9-10-2007 chuyển giao Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư giai đoạn thực hiện dự án.

* Ngày 10-2-2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội cùng tác giả Nguyễn Kim Xuân đã bàn giao mẫu Tượng Thánh Gióng bằng thạch cao, kích thước chiều cao 3m, chiều ngang phần đế tượng 2,2m cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

* Ngày 10-11-2011, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 5277/QĐ-UBND giao UBND huyện Sóc Sơn tổ chức quản lý khu vực Tượng đài Thánh Gióng.

Thanh An