Trân trọng tài năng chân đất...
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 08/04/2012
Khuyến cáo như vậy là thận trọng. Tuy nhiên, sáng chế mới đều phải được thử nghiệm nhiều lần trên thực địa. Phương tiện bay, dù thô sơ nhất, cũng không thể thử nghiệm trong nhà xưởng! Sẽ tốt hơn nếu đoàn kiểm tra không chỉ ghi nhận sự đam mê của ông Hiển, mà xem xét trên phương diện một sáng chế - nếu nó có thể dùng được thì nên tạo thêm điều kiện để ông tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Nói chuyện này không phải coi thiết bị bay của ông Hiển là phát minh lớn lao gì mà để thấy rằng Việt Nam không thiếu người đam mê kỹ thuật, không thiếu người tài. Vấn đề ở đây là ứng xử với những người đó như thế nào.
Ngay sau Cách mạng thành công, Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã rất chú trọng tới vấn đề bồi dưỡng và sử dụng người tài. Cho đến nay đó vẫn là một chủ trương nhất quán. Những người tài đều được tạo nhiều điều kiện để tham gia các cuộc thi quốc tế - từ thi học sinh giỏi, thi tay nghề công nhân, thi sáng tạo sinh viên… Tuy vậy giữa chủ trương và thực tiễn vẫn có những khoảng trống rất lớn. Hằng năm, chúng ta tổ chức tôn vinh các thủ khoa đại học nhưng khi họ vào đời, số được tiếp nhận theo đúng chủ trương chưa được 10%. Nhưng long đong nhất phải nói đến những nhà phát minh chân đất, những "Hai Lúa", đã phát minh và đưa vào áp dụng rất nhiều thiết bị, máy nông nghiệp mà hàng chục viện nghiên cứu với cả nghìn nhà khoa học chỉ thực hiện được trong các luận án, trong các hội thảo…
Hình như trong cộng đồng vẫn tồn tại quan niệm dân ta không có tư duy kỹ thuật nên nhiều người rất ít cảm tình với những sáng kiến như vậy. Trong khi đó trong cộng đồng lại coi rất tự nhiên, thậm chí rất tin những người không được đào tạo, làm việc hoặc chỉ dựa vào kinh nghiệm gia truyền hay vào cảm giác "trời cho" như mấy ông "thần y", "ngoại cảm"…
Về thăm quê Trạng Trình, nghe bà con đề nghị trên giúp xây một ngôi đền thờ Trạng bằng bê tông thật to, thật vững chắc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cười vui và bảo:
- Tôi nghĩ chắc Trạng sẽ vui hơn nếu đền thờ ông được xây dựng bằng những gì quê ta có. Nãy giờ tôi để ý rất nhiều vật dụng thường ngày xưa các cụ làm từ tre như cái rổ, cái rá, còn bây giờ toàn đồ nhựa. Sao lại bỏ thứ ta sẵn có, không mất tiền, lại tốt để mua những thứ không chỉ quá đắt, mà còn xa lạ với lối sống của người mình? Những gì mình tự làm ra từ những gì mình có vẫn đáng trân trọng hơn…
Có lẽ kỹ sư ô tô Nguyễn Bùi Hiển biết rõ số phận của chiếc "trực thăng" do hai ông Hai Lúa sáng chế mấy năm trước, vậy sao ông vẫn "theo vết xe cũ"? Đó không chỉ do đam mê sáng tạo; đó còn phải là một cái gì đó lớn hơn: Người Việt không thiếu tài năng và ý chí.
Nhờ cầu Thăng Long, chúng ta có đội ngũ kỹ sư, công nhân cầu hùng hậu, tài năng. Từ liên doanh Vietso chúng ta sản xuất được cả giàn khoan trên biển. Đường dẫu dài cũng từ bước đi đầu tiên. Mà những bước đi đó cần được nâng niu, tạo điều kiện, bằng không bao nhiêu năm vẫn chỉ như ngành xe đạp, ô tô, chỉ biết lệ thuộc vào bên ngoài...
Xin đừng thờ ơ với những tài năng chân đất, của những "Hai Lúa", dù nhiều khi ý tưởng của họ có vẻ rất khác người.