Bài 2: Thượng tôn pháp luật

Giới trẻ - Ngày đăng : 08:09, 07/04/2012

(HNM) - Từ lâu, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội chấp thuận mở rộng đất để xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam.


Theo đề xuất, diện tích mở rộng này nằm trong khu vực đất dự án đã được UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty cổ phần Đầu tư - Dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao Hà Nội (CPĐTHN). Vì không phù hợp với quy hoạch đã được thành phố phê duyệt, nên đề xuất của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam không được phê duyệt. Trong khi Học viện Phật giáo Việt Nam bảo lưu quan điểm xin được mở rộng diện tích vào phần đất dự án của Công ty CPĐTHN và tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ thì xảy ra sự kiện "bản gốc Tượng đài Thánh Gióng bị đập vỡ". Vậy đâu là bản chất của vấn đề?


Phiên bản tượng thứ 3 làm bằng chất liệu composit được
bảo quản tại trụ sở UBND xã Phù Linh.

Mượn rồi không trả

Để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháng 10-2007, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định giao Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Chồng, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Theo kế hoạch ban đầu, việc làm khuôn, đúc tượng sẽ được thực hiện tại Bãi Nổi - hồ Đền Sóc. Ngày 22-10-2009, UBND huyện Sóc Sơn nhận được Công văn số 15/CV-BQL của Ban Quản lý (BQL) dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng (thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) xin được di chuyển địa điểm đúc tượng sang khu đất cạnh Học viện Phật giáo với lý do "thuận tiện cho việc đúc tượng". Vị trí đúc tượng mới theo đề xuất của BQL dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng này nằm trong đất dự án khu du lịch văn hóa nghỉ ngơi cuối tuần Đền Sóc đã được UBND thành phố thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Công ty CPĐTHN. Để tạo điều kiện cho việc xây dựng Tượng đài Thánh Gióng hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 10799/ UBND-XD đồng ý cho BQL dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng mượn tạm khu đất nói trên để đúc tượng. Nội dung công văn nêu rõ: "BQL dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng phải có trách nhiệm quản lý phần mặt bằng mượn tạm, tuyệt đối không xây dựng công trình kiên cố. Sau khi đúc tượng xong phải hoàn trả mặt bằng về nguyên trạng ban đầu và bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án theo quy hoạch". Sau khi mượn được địa điểm mới, BQL dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng đã đưa về đây một số mẫu tượng để làm căn cứ đối chiếu đúc tượng. Đáng lẽ ra, khi Tượng đài Thánh Gióng đã xây dựng hoàn tất, BQL dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng phải chủ động hoàn trả mặt bằng mượn tạm theo cam kết ban đầu nhưng họ lại làm ngược lại. Ngày 1-6-2010, UBND huyện Sóc Sơn đã có Công văn số 603/UBND-TTPTQĐ yêu cầu BQL dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng bàn giao xong mặt bằng mượn tạm trước ngày 30-6-2010 nhưng yêu cầu này không được thực hiện. Trên khu đất mượn tạm, BQL dự án vẫn để lại một số mẫu tượng và hai lán trại lợp mái tôn. Tiếp đến, ngày 8-10-2010, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lại có văn bản đốc thúc BQL dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng sớm hoàn trả mặt bằng trước ngày 30-10-2010 nhưng cũng không nhận được sự hợp tác. Ngày 16-1-2012, UBND xã Phù Linh nhận nhiệm vụ kiểm tra, thu hồi diện tích đất mà BQL dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng mượn tạm để bàn giao cho chủ đầu tư là Công ty CPĐTHN. Theo ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND xã Phù Linh, tại hiện trường khi đó chỉ còn phế liệu của phiên bản tượng theo tỷ lệ 1-1 bằng đất sét đã vỡ vụn, phiên bản tượng thứ 2 bằng thạch cao cũng đã vỡ gần hết, chỉ còn lại đế. Phiên bản tượng thứ 3 làm bằng chất liệu composit gần như nguyên vẹn và sau đó được chuyển về trụ sở UBND xã Phù Linh bảo quản (ảnh). Ông Quy khẳng định không có ai làm vỡ các bức tượng cả. Việc bàn giao mặt bằng (diện tích 2,2ha) cho Công ty CPĐTHN đã thực hiện hoàn tất cách đây hai tháng, cũng không ai có ý kiến thắc mắc gì về các bức tượng mẫu. Chỉ đến khi Công ty CPĐTHN dựng hàng rào bảo vệ thì lập tức xuất hiện tin đồn "bản gốc Tượng đài Thánh Gióng bị đập vỡ"(!?).

Lợi ích các bên phải trên cơ sở pháp luật

Như chúng tôi đề cập ở trên, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nguyện vọng mở rộng diện tích để xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam. Phần diện tích xin mở rộng thuộc phạm vi đất dự án đã được UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty CPĐTHN làm chủ đầu tư. Sở dĩ Học viện Phật giáo Việt Nam bảo lưu quan điểm xin mở rộng diện tích vào đúng phần "đất đã có chủ" vì hiện tại, đất để xây dựng Học viện nhỏ (khoảng 10,5ha), có nhiều đồi, diện tích xây dựng được ít. Mặc dù ủng hộ quan điểm của Học viện Phật giáo Việt Nam, nhưng xét báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, ngày 2-6-2011, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 4291/UBND-XD trả lời Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu rõ: "Địa điểm Hội đồng trị sự đề nghị không phù hợp với quy hoạch đã được thành phố phê duyệt". Ngày 15-3-2012, Học viện Phật giáo Việt Nam lại có văn bản số 40/CV-HV gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch để mở rộng diện tích xây dựng Học viện. Ngày 26-3-2012, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1949/VPCP-KTN, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đề nghị của Học viện Phật giáo Việt Nam.
Ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Công ty CPĐTHN, bức xúc: "Bất luận Học viện Phật giáo hay là đơn vị nào đi chăng nữa cũng phải nghiêm túc thực thi pháp luật. Công ty chúng tôi được UBND thành phố cấp đất và có quyết định đàng hoàng. Diện tích đất 4,3ha mà Học viện Phật giáo đang chiếm giữ và xây dựng trái phép có vị trí đắc địa (lưng tựa vào núi, mặt ngoảnh ra hồ), tạo điểm nhấn cho toàn bộ dự án. Vì nằm liền kề với Học viện Phật giáo nên ngay từ khâu khảo sát thiết kế, lập quy hoạch, công ty đã chủ động đưa toàn bộ các hạng mục vui chơi, giải trí ra vị trí rất xa. Tại khu vực giáp ranh này, công ty chỉ xây dựng khu nhà nghỉ dành cho người cao tuổi để không gây ảnh hưởng tới môi trường giáo dục Phật giáo".

Trong buổi làm việc với PV Hànộimới chiều 3-4-2012, ông Nguyễn Văn Nguyệt - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, thể hiện quan điểm luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho cả Học viện Phật giáo Việt Nam cũng như Công ty CPĐTHN, nhưng phải dựa trên cơ sở tôn trọng pháp luật.

Thanh An