Giá nhiên liệu gây sóng gió
Thế giới - Ngày đăng : 08:05, 07/04/2012
Trong tuần qua, 1/5 số trạm nhiên liệu tại Anh đã cạn kiệt vì làn sóng tích trữ của người dân.
Trong nhiều ngày qua, các cuộc biểu tình phản đối giá xăng tăng tại Indonesia với hơn 8 vạn người tham gia có thể được xem là những hình ảnh gây chấn động dư luận quốc tế. Kế hoạch tăng 33% giá nhiên liệu của Chính phủ tại quốc gia Đông Nam Á đã không thể thuyết phục được các nghị sỹ Quốc hội Indonesia gật đầu trước sức ép nặng nề do sự bất bình của dân chúng. Tuy nhiên, những gì xảy ra tại đất nước Vạn đảo trong tuần cho thấy một thực tế là biến động của thị trường năng lượng đang không chỉ gây chia rẽ trên chính trường mà còn có cơ gây bất ổn xã hội của một quốc gia.
Sự thật này tiếp tục được kiểm chứng qua làn sóng mua xăng tích trữ kỳ lạ chưa từng thấy tại Anh quốc. 1/5 trong tổng số 8.700 trạm nhiên liệu ở xứ sở Sương mù trong tuần qua đã không còn lấy một giọt xăng dầu, khi người dân nháo nhào kéo nhau tới nhằm "tranh thủ" tích trữ càng nhiều càng tốt thứ nhiên liệu dành cho các cỗ máy. Cơn sốt nhiên liệu bất thường tại Anh thậm chí đã khiến một phụ nữ bị bỏng nặng vì tự ý sang chiết để cất giữ xăng tại nhà riêng. Chuyện thật đến khó tin này ở nước Anh đã có lúc đẩy giá xăng tăng tới 170% và giá dầu diesel phi mã thêm đến 80% so với những ngày trước đó. Không như ở đất nước Hồi giáo Indonesia - giá nhiên liệu đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình - nguyên nhân của vụ tăng giá nhiên liệu bất thường tại đảo quốc Sương mù vừa qua là do nhân viên tàu chở dầu đình công khiến người dân Anh lo thiếu xăng. Nhiên liệu gây rắc rối ở hai không gian khác biệt; song, không khó để nhận ra một điểm chung là thứ tạo động lực cho các cỗ máy giờ đây đã trở thành mối quan tâm thường nhật của người dân và có khả năng tạo thách thức ghê gớm với các chính phủ đương nhiệm. Cũng như Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono - phải hủy chuyến công cán quan trọng tới Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 vừa được tổ chức tại Campuchia - Thủ tướng Anh David Cameron đã phải đưa ra cam kết rằng, quân đội sẽ điều khiển các tàu chở dầu nếu đình công tái diễn nhằm trấn an dân chúng.
Những gì vừa xảy ra tại hai quốc gia cách xa nhau về địa lý và cấu trúc xã hội đã mang đến một bài học lớn. Trên một "mặt trận" khác, tuy chưa vấp phải phản ứng gay gắt của dân chúng, nhưng giá xăng và giá dầu sưởi đồng loạt tăng trên 2% thời gian qua như hậu quả của đợt sóng giá dầu thô trên thị trường thế giới đã là một vấn đề buộc Tổng thống Barack Obama phải hành động nhằm "rút lửa" cơn thịnh nộ có thể bùng phát bất kỳ lúc nào ở nước Mỹ. Mối quan ngại của ông chủ Nhà Trắng là không thừa khi giá xăng tại Mỹ vào mùa đông vừa qua đã lên tới mức 3,74 USD/gallon, tức khoảng gần 1 USD/lít, làm dấy lên mối quan ngại giá xăng có thể sẽ phá vỡ kỷ lục mọi thời đại được lập vào tháng 7-2008, khi người dân xứ Cờ hoa phải bỏ ra tới 4,11 USD để mua 1 gallon xăng. Chủ đề giá nhiên liệu tăng đe dọa ăn mòn thêm nữa túi tiền của người dân Mỹ như cách đây gần 4 năm đã lập tức thành tâm điểm cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang ở giai đoạn "nóng". Phe Cộng hòa đã không tiếc lời chỉ trích các quyết định về chính sách năng lượng của chính phủ đương nhiệm và coi đó là tác nhân gây cơn sốt giá nhiên liệu mà nước Mỹ phải gánh chịu. Chuyến công du 4 bang miền Tây của Tổng thống B.Obama trong những ngày qua nhằm cổ động cho việc bớt phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu và tìm kiếm nguồn thay thế từ năng lượng mặt trời và sức gió cũng như một số giải pháp tình thế khác phản ánh một thực tế là ông chủ Nhà Trắng đã không thể bỏ qua tầm quan trọng của ổn định giá nhiên liệu, nếu muốn trụ vững trên vị trí lãnh đạo nước Mỹ.
Mặc dù vậy, sự căng thẳng chưa ngừng giữa phương Tây và Iran, những bất ổn chính trị tại Trung Đông như Syria và một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Nigeria hay Sudan và Nam Sudan... dự báo sẽ là nguyên nhân gây biến động giá nhiên liệu toàn cầu trong thời gian tới. Vì thế, thực thi các chính sách nhằm giảm thiểu tác động của cơn biến động có thể xảy ra này chắc chắn là bài toán không đơn giản với các chính phủ trên khắp thế giới.