Bộ trưởng nhận khuyết điểm trong việc mất phôi sổ đỏ
Chính trị - Ngày đăng : 13:01, 06/04/2012
Buổi đối thoại trực tuyến được tổ chức trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ |
Nhóm các độc giả Vũ Mậu Trịnh (Đông Hưng, Thái Bình); Nguyễn Trọng Thắng [thang_kcs258@...com.vn]; Hoàng Thủy [hoangthuyhanoi@...com] thắc mắc: “Tới năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo NĐ 64. Vậy đất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào"?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nêu rõ: “Trong Luật đất đai 1993 (sửa đổi năm 2003) có quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp như đất trồng cây ngắn ngày và đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng cây lâu năm... Mốc thời điểm tính từ năm 1993. Thời hạn sử dụng là 20 năm. Như vậy, sang năm sau, 2013 là tròn 20 năm sẽ hết hạn sử dụng. Việc quy định thời hạn sử dụng đất tiếp theo là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong khi chưa sửa Luật năm 2003 thì vẫn áp dụng luật hiện hành.
Theo Luật đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó. Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn".
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang |
Bộ trưởng cũng nói thêm với các loại đất như đất bãi bồi ven sông, ven biển, sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, họ cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng theo thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Tháo gỡ khúc mắc nguyên nhân và tình trạng khắc phục trong vấn đề chậm cấp giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở của độc giả Nguyễn Thị Út (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục đăng ký thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai trả lời.
Theo Cục trưởng Trần Hùng Phi, vấn đề này có nhiều nguyên nhân: cả từ phía nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước và từ người dân. Trong đó, nguyên nhân từ chủ đầu tư là lớn nhất, nhiều dự án vi phạm pháp Luật đất đai, pháp luật xây dựng như xây dựng không đúng quy hoạch, chưa xây xong đã bán xong...
Cục trưởng Trần Hùng Phi |
Về phía cơ quan Nhà nước, việc quản lý giám sát trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư chưa chặt chẽ, để xảy ra nhiều sai phạm, không phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc có kiểm tra, phát hiện nhưng xử lý chậm, chưa cương quyết, chủ động... Một số trường hợp cơ quan chức năng từ chối thủ tục vì một số lý do chưa hợp lệ...
Về phía người mua nhà, nhiều dự án có mức độ chuyển nhượng mua đi bán lại với tỷ lệ lớn, trên dưới 70%, thông thường các trường hợp này chưa muốn làm thủ tục, trong đó có lý do ngại làm thủ tục sẽ phải chịu thuế, phí, đặc biệt là phí trước bạ.
Ông Phi cũng cho biết về lâu dài, Bộ sẽ chỉ đạo địa phương chấn chỉnh ngay các dự án phát triển nhà ngay trong quá trình thực hiện, xử lý sớm các dự án có sai phạm. Trước mắt sẽ tập trung thanh tra kiểm tra các dự án có vướng mắc, theo nguyên tắc nếu ai sót về phía chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn sai phạm nếu không từ phía người mua nhà thì phải tìm cách cấp giấy chứng nhận cho họ.
“Hiện nay đang có tình trạng phôi chứng nhận quyền sử dụng đất là thật nhưng số liệu là giả. Tình trạng này gây hoang mang trong việc mua bán bất động sản của người dân, Bộ trưởng nghĩ thế nào khi số phôi thất thoát này là nguyên nhân gây ra tình trạng tôi vừa nêu?” - Trịnh Thúy Minh (Mỹ Đình - Từ Liêm - Hà Nội) đặt câu hỏi.
“Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề phôi này. Có 2 trường hợp có thể xảy ra: hoặc phôi có serie mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các sở, hoặc các phôi đó là giả.
Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, có nơi làm mất 483 chiếc có seri. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau.
Phải nói rằng quy định hiện về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như đã nói. Chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, theo tôi, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ.
Về việc xử lý những người có trách nhiệm, pháp luật đã có quy định và chúng ta phải tiến hành theo luật". - Bộ trưởng trả lời.
|
Bên cạnh những vấn đề về đất đai, vấn nạn ô nhiễm môi trường cũng được người dân quan tâm đặt câu hỏi. Độc giả Vũ Việt Cường (vuviet.cuong76@...com) nhận được câu trả lời về vấn đề khai thác và chế biến Titan ngay trong TP. Huế như sau: "UBND thành phố Huế đã có chủ trương tiến hành di dời cơ sở sản xuất titan này ra vị trí khác phù hợp với yêu cầu sản xuất, đảm bảo môi trường, đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt của bà con trong thành phố. Khoảng năm 2014 thì việc di dời này sẽ hoàn thành. Việc này, chúng tôi sẽ giao Tổng cục môi trường, cơ quan thanh tra, các cơ quan chức năng của thành phố Huế giám sát".
Được hỏi về cách giải quyết vấn nạn các tàu hút cát lậu ngang nhiên hoạt động, rầm rộ và tinh vi hơn trước gây sạt lở nhà cửa ven sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các hộ dân, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chỉ rõ tình trạng hút cát là tương đối phổ biến, là một nhu cầu cho phát triển, đặc biệt là cho xây dựng, nếu làm tốt sẽ có 2 tác dụng, một là khơi luồng dòng chảy, tàu thuyền đi lại thuận tiện, hai là cát phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, hậu quả rất lớn, như sạt lở bờ...
Điều quan trọng là vấn đề quản lý, Tổng cục Khoáng sản sẽ có quy định như thế nào đó về bảo vệ khoáng sản dưới dòng sông, thanh tra kiểm tra thường xuyên. Văn bản quy định đã tương đối đầy đủ, vấn đề là thực thi, nhất là địa phương thực thi, như thế nào? Người dân cũng có thể khiếu nại, tố cáo để cơ quan chức năng giải quyết. Bộ trưởng hy vọng các địa phương hết sức chú ý vấn đề này và sự giám sát của nhân dân cũng hết sức quan trọng.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc cách chức quan chức địa phương để xảy ra tình trạng này là thuộc thẩm quyền của địa phương, Bộ không quyết định.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến |
Trước lo lắng của độc giả Trần Vĩ Thu (Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa) về việc kiểm tra hoạt động các khu công nghiệp (KCN) gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn được hoạt động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định: “Chuyện thanh tra kiểm tra là thường xuyên, gần đây nhất đã tổ chức thanh tra 46 trong 56 tỉnh có KCN, kết quả thanh tra đã công bố. Nhưng Khoản 4 Điều 48 Nghị định 117 quy định, để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp hoặc KCN, việc vi phạm phải đạt mức nào đó thì chúng tôi mới được công bố ra báo chí, còn lại chỉ thông báo tới UBND địa phương và cơ quan Công an để họ có thể điều tra, phát hiện tiếp các vấn đề...
Bộ cũng rất chú ý đến việc này, đề xuất Chính phủ và Quốc hội trong dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Trước đây, mức xử phạt tiền tối đa là 80 triệu đồng, theo Nghị định 117 lên tới 500 triệu đồng, theo dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính sẽ lên tới 2 tỷ đồng".
Cuối buổi đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, để giải quyết tình hình ô nhiễm nước sông Hồng, trước hết các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm xử lý vi phạm khi có rất nhiều “họng nước” đổ ra sông chưa qua xử lý.