Bài 2: Giúp dân “gỡ” nợ - Cách nào?
Xã hội - Ngày đăng : 07:22, 06/04/2012
(HNM) - Huyện đã vào cuộc - chậm còn hơn không
Trước những vấn đề nổi cộm trong công tác xử lý nợ của HTX NN Hồng Dương, UBND huyện Thanh Oai đã thành lập tổ công tác kiểm tra, làm rõ những khúc mắc, đưa ra giải pháp khả thi giúp địa phương xử lý các khoản nợ trong một số hộ xã viên và ổn định tình hình. Tuy vào cuộc chậm, nhưng nếu tổ công tác của huyện tiến hành khẩn trương, công tâm… sẽ mở ra hướng giải quyết nợ xã viên với HTX không chỉ ở Hồng Dương.
Các tài liệu chứng minh HTX NN Hồng Dương tạm giữ ruộng và tính lãi bất thường trên số nợ của xã viên. |
Tại đề án sửa đổi, bổ sung đề án xử lý công nợ của HTX NN Hồng Dương năm 2011, có ghi: "Tình hình nợ phải thu của HTX chiếm tỷ trọng cao trong tổng số vốn lưu động, chiếm 62,87%". Đây là con số không dễ giải quyết, bởi trong số những người thiếu nợ, nhiều người đã chết hoặc không có khả năng thanh toán. Ông Nguyễn Gia Sướng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Dương chia sẻ với phóng viên Hànộimới: "Trước năm 2000, HTX phải thu rất nhiều khoản, trong đó có các khoản thuộc nghĩa vụ bắt buộc như: Thuế nông nghiệp, tiền quỹ an ninh quốc phòng, lao động công ích… Ngoài ra, còn một số khoản phí dịch vụ của HTX như thủy lợi, làm đất, bảo vệ thực vật… Do hoàn cảnh khó khăn, có nhiều hộ xã viên thiếu nợ, nên HTX đã phải vay ngân hàng, vay thóc của những hộ xã viên có điều kiện để trả nợ thay những xã viên đó. HTX là loại hình kinh tế tập thể, phải bảo toàn vốn, do vậy các biện pháp thu hồi vốn đề ra trong đề án xử lý công nợ của HTX là một cách để bảo đảm công bằng cho tất cả xã viên. Trong số hộ thiếu nợ, phần lớn là các hộ cố tình không trả nợ, họ không thực hiện bất cứ khoản nghĩa vụ gì với Nhà nước, với địa phương. Thiếu sót của địa phương là đã không kịp thời đổi mới phương pháp thu hồi nợ, nên biện pháp rút ruộng và tính lãi không còn phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay. Để khắc phục, Đảng ủy, UBND xã chủ trương sẽ khoanh nợ, giảm lãi tối đa nhằm tạo điều kiện cho bà con có thể trả được nợ, nhưng giảm đến mức nào còn phụ thuộc vào việc xem xét cụ thể sau khi có kết luận của UBND huyện Thanh Oai...".
Về vấn đề xử lý nợ tại HTX NN Hồng Dương, ông Phan Chu Đức, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai khẳng định: "Đây là việc lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nông dân. Ngay từ khi nhận được kiến nghị của bà con, Thường trực Huyện ủy đã họp, nghe báo cáo của địa phương và UBND huyện đã thành lập tổ công tác để giải quyết các vấn đề xã viên phản ánh. Những nội dung cơ bản được xác định để xem xét là tập hợp tất cả các văn bản liên quan đến công tác xử lý nợ qua các thời kỳ, xác minh đúng số nợ gốc của từng hộ, diện tích ruộng HTX đã rút của xã viên và việc thu chi tài chính của HTX… Sau khi làm rõ, tổ công tác sẽ tổ chức đối thoại với xã viên để xác định cụ thể từng khoản nợ, trên tinh thần các khoản nghĩa vụ với Nhà nước thì bắt buộc xã viên phải thực hiện nghiêm túc...".
Được biết, từ đầu tháng 3-2012, Tổ công tác của UBND huyện Thanh Oai đã thông báo tới các hộ xã viên về kế hoạch giải quyết đơn của bà con. Hiện tổ công tác đang đối chiếu văn bản, xác minh số liệu và tìm hướng giải quyết những vấn đề xã viên phản ánh theo quy định của pháp luật.
Ý kiến của chúng tôi
Qua quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi nhận thấy những bất cập trong xử lý nợ tại HTX NN Hồng Dương là hậu quả của việc chính quyền, Ban quản trị HTX nơi đây một thời gian dài đã vận dụng cơ chế chính sách một cách máy móc. Việc trừ nợ bằng thu hồi ruộng, tư liệu sản xuất thiết yếu đối với nông dân là không thích hợp, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai; việc tính lãi quá mức trên số nợ đối với những hộ nông dân nghèo cũng khó chấp nhận...
Làm gì để giúp các hộ dân trả được nợ, ổn định cuộc sống, giải tỏa bức xúc dư luận tại địa phương? Đây là bài toán không dễ tìm ngay được đáp số. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trước hết, HTX NN Hồng Dương sớm phân loại, xác định rõ thời gian qua, hộ xã viên nào thật sự khó khăn, không có khả năng thanh toán nợ nên mới lâm vào hoàn cảnh khó khăn do nợ kéo dài. Với các hộ xã viên này, HTX nên áp dụng biện pháp "khoanh nợ", "giãn nợ", nếu có thể được thì "xóa nợ" một phần cho bà con. Đối với hộ xã viên có điều kiện kinh tế nhưng cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước thì vận động thuyết phục bà con tự giác thanh toán nợ theo từng vụ thu hoạch; cần thiết có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ. Mặt khác, việc tính nợ của xã viên, HTX phải phân định rõ từng khoản, mục, từng giai đoạn cụ thể; gắn với mỗi giai đoạn sẽ thực hiện xử lý nợ theo đúng chỉ đạo của các cấp, các ngành. Việc tính lãi cần phải dựa trên quy định của pháp luật, không thể tùy tiện, "biến tấu". Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu của nhà nông, vì vậy HTX cần sớm xem xét, hoàn trả số ruộng đã "rút" của các hộ dân, để bà con tổ chức sản xuất, bảo đảm cuộc sống, từ đó mới tích lũy và trả được nợ...
Hy vọng những đề xuất trên sẽ được cơ quan chức năng, lãnh đạo huyện Thanh Oai lưu tâm, tham khảo để có biện pháp chỉ đạo HTX NN Hồng Dương giải bài toán "nợ" trong một số hộ xã viên, giúp người dân yên tâm sản xuất, góp phần mang lại sự ổn định tại địa phương.