Phát huy giá trị lịch sử của Chiến thắng ''Hà Nội - Điện Biên phủ trên không'' trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 29/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa xuân năm 1975, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc - thống nhất đất nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quả cảm, với ý chí kiên cường và niềm tin sắt đá, quân dân Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng... và lực lượng Phòng không - Không quân đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 (nhiều chiếc bị rơi tại Hà Nội), đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô chưa từng có trong lịch sử bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ; đập tan uy danh và sự kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ... Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị lâu dài; đặc biệt đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và tài thao lược của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từcuối năm 1967,Chủ tịch Hồ Chí Minhđã tiên đoán: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Những lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp bộ đội tên lửa phòng không và quân dân Hà Nội sớm có quyết tâm, chủ động chuẩn bị mọi tình huống và kế hoạch tác chiến để đối phó với B-52 khi địch đánh phá Thủ đô. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quân và dân Thủ đô đã phát huy cao độ truyền thống toàn dân, toàn quân đánh giặc, dù ở bất kỳ vị trí nào. Thành phố đã phát huy được sức mạnh to lớn của các giai tầng trong xã hội: Công nhân, nông dân, trí thức... Cùng với đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Thành ủy Hà Nội về chiến lược, nghệ thuật tiến hành chiến dịch phòng không nhân dân; sự phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã luôn sát cánh “chia lửa”, hiệp đồng chặt chẽ với quân dân Thủ đô, tạo thành thế trận liên hoàn, đan xen hiểm hóc, là yếu tố quan trọng góp phần làm thất bại sức mạnh của không lực Hoa Kỳ.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội những bài học kinh nghiệm quý, nhất là về công tác lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong thời chiến trước vô vàn khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh. Đó là:
Thành ủy Hà Nội đã chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các chủ trương, giải pháp phù hợp để chuẩn bị các điều kiện ứng phó hiệu quả.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thường xuyên tập trung lãnh đạo, xây dựng các chi, đảng bộ cơ sở phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu; chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, chung sức, đồng lòng, nêu cao ý chí, bản lĩnh, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đảng bộ Hà Nội luôn chú trọng phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò làm chủ của các tầng lớp nhân dân trong quá trình tham gia công tác chuẩn bị chiến đấu, phục vụ chiến đấu; phát huy tốt vai trò, vị thế, trách nhiệm và nội lực của Đảng bộ, nêu cao tinh thần cách mạng và ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược; luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân Thủ đô.
Thành ủy thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị các địa phương, cơ quan, đơn vị chú trọng, tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp giữa quân và dân, giữa các lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng với lực lượng vũ trang Thủ đô để chủ động trong công tác chuẩn bị các điều kiện chống địch tập kích đường không.
Các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân, chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện thanh niên tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức cảnh giác, ý chí, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vững chắc Thủ đô; tạo sự đồng thuận cao trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách gian khổ, ác liệt, dũng cảm chiến đấu. Đây chính là yếu tố then chốt giúp Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đánh thắng cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ cuối tháng 12-1972.
Trong quá trình lịch sử xây dựng và phát triển hơn 92 năm qua, Đảng bộ Hà Nội cùng với cả nước luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương phù hợp với thực tiễn Thủ đô; lãnh đạo các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Thủ đô và đất nước; gương mẫu, đi đầu trên nhiều lĩnh vực, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội.
Trong dòng chảy lịch sử ấy, thanh niên Hà Nội vinh dự, tự hào cùng tuổi trẻ cả nước góp phần làm nên những chiến công oanh liệt trong trang sử vẻ vang đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.Hà Nội là nơi sinh ra những Đội thanh niên xung phong tuyên truyền thành Hoàng Diệu, Đội danh dự Việt Minh, Đội công nhân xung phong,... đã giác ngộ và tập hợp những thanh niên với lòng yêu nước nồng nàn, một lòng đi theo Đảng; là nơi khởi nguồn của tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, phong trào “Ba sẵn sàng”, “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, “Chiếc gậy Trường Sơn”,... thể hiện lý tưởng sống cao đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành lời hiệu triệu, tập hợp đông đảo các thế hệ thanh niên sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã khắc ghi và tôn vinh lớp thanh niên Thủ đô năm ấy, tiêu biểu như Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều - người phi công dũng cảm, quyết tâm thực hiện ước mơ tiêu diệt được máy bay B-52, đã anh dũng hy sinh ở tuổi 27. Các anh đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng kẻ thù bằng tất cả trí tuệ, ý chí, niềm tin.
Những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn vẹn nguyên giá trị đối với thế hệ chúng ta hôm nay, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước và Thủ đô đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen... Đó là bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; về công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; về phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của các chi, đảng bộ cơ sở; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vai trò làm chủ của nhân dân,...; trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân, công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của mọi cấp ủy, tổ chức Đảng, cần được tiến hành thường xuyên, kiên trì và lâu dài.
Tuổi trẻ hôm nay không trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, không chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc, của Thủ đô trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972; mà chỉ biết qua những di tích lịch sử, những trang sách, bài ca, thước phim tư liệu hay lời kể của nhân chứng lịch sử...; do đó công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ luôn là việc làm cần thiết, là biện pháp hữu hiệu nhất để khắc phục những tiêu cực, biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh niên hiện nay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ:“... Cũng phải nhìn thẳng sự thật mà nói, là có không ít thanh niên ngày nay có biểu hiện phai nhạt chủ nghĩa cách mạng, chạy theo lợi ích vật chất, cá nhân. Xu hướng hưởng thụ cũng xuất hiện ở một bộ phận giới trẻ...”. Trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa, một bộ phận thanh niên đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.... Chính vì lẽ đó, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên là một việc làm hết sức quan trọng, thông qua việc thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thanh niên.
Hôm nay, ôn lại vinh quang và niềm tự hào từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của 50 năm trước, cũng là để định rõ những công việc cần làm cho tương lai, điều đầu tiên chúng ta cần xác định, đó là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ Thủ đô về tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; biết ơn Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ cả nước vì nền độc lập dân tộc...; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tự hào về “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”...
Phát huy giá trị lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Thủ đô là một công việc hết sức ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thế hệ trẻ ngày nay cần được thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho thanh niên, nâng cao giác ngộ và nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, cùng những thuận lợi, thách thức trong thời kỳ đổi mới, quá trình hội nhập quốc tế.
Xây dựng cho thế hệ trẻ một ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực vươn lên làm chủ trên mọi lĩnh vực đời sống, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” khẳng định: “Thanh niên là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Hơn lúc nào hết, thanh niên hôm nay cần được trang bị đầy đủ hành trang về kiến thức, tinh thần cảnh giác cách mạng, bản lĩnh vững vàng, đủ sức “đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của kẻ thù, đủ năng lực ứng phó với những thách thức “an ninh phi truyền thống” đang phổ biến hiện nay. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước và Thủ đô càng phát triển và đi vào chiều sâu thì yêu cầu về giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho thế hệ trẻ càng trở nên cấp thiết.
Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về mức độ nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; từ đó thấy được việc phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh hết sức cam go, phức tạp diễn ra ngay trong nội bộ và bản thân mỗi con người. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải sống có mục tiêu, lý tưởng, có ước mơ, hoài bão cao đẹp, trung thực, có tinh thần cảnh giác, tuân thủ nghiêm pháp luật, xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới“tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”; ra sức đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng, ích kỷ; chống tâm lý ngại khó, ngại khổ... Có vậy, chúng ta mới thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội, nhất là các tổ chức Đoàn thanh niên cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục, phổ biến cho thế hệ trẻ hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về cách thức hoạt động và nội dung chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là trên mạng xã hội; chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời; từ đó chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, đầy đủ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong đoàn viên, thanh niên là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết. Đặc biệt, cần phải gắn việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương với tích cực triển khai Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 01-CT/TƯĐTN ngày 17-5-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn”.
Tích cực nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay; kịp thời tuyên dương những gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến gắn với tuyên dương“Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; lấy đó làm động lực và khuyến khích sự cố gắng, nỗ lực trong đoàn viên, thanh niên; kịp thời phát hiện, biểu dương và bồi dưỡng những đoàn viên, thanh niên có năng lực tổ chức lãnh đạo, quản lý và thực tiễn giỏi. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ, hướng nghiệp để mỗi đoàn viên, thanh niên được cống hiến, phát huy sức trẻ; năng động, sáng tạo vững vàng trong cuộc sống, đáp ứng đòi hỏi của đất nước và thời đại mới.
Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là dịp để thế hệ trẻ Thủ đô ôn lại truyền thống hào hùng, chiến công oanh liệt của cha anh; trân trọng biết ơn, tôn vinh sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước, cùng những cống hiến, hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ, của các Bàmẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng. Phát huy truyền thống là nơi khởi nguồn các phong trào hành động cách mạng của cả nước, là đơn vị đầu tiên của tổ chức Đoàn cấp tỉnh trong toàn quốc vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang”, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội cần kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Thủ đô, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, tiềm năng của đoàn viên, thanh niên; cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ noi gương các thế hệ đi trước, rèn đức, luyện tài, phấn đấu hết mình, góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; “xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại”, mãi xứng đáng với truyền thống “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”, với danh hiệu cao quý “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; để thế hệ trẻ hôm nay xứng đáng là chủ nhân tương lai của Thủ đô và đất nước.
Thạc sĩ Nguyễn Doãn Toản
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Từ ngày 9-12 đến 29-12-2022, thông qua chuyên mục “50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Báo Hànộimới đã giới thiệu tới bạn đọc các bài viết của lãnh đạo thành phố Hà Nội, các tướng lĩnh, chuyên gia, nhà nghiên cứu..., cùng nhiều thông tin sự kiện lịch sử quan trọng liên quan. Qua đó đã góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về chiến thắng hào hùng này; từ đó, phát huy truyền thống anh hùng, tích cực đóng góp xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.