Làm gì để tránh lãng phí ?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 06/04/2012

(HNM) - Dạo quanh một vòng tại các trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp trên địa bàn Hà Nội như Grand Plaza (117-Trần Duy Hưng), The Garden (Khu đô thị mới Mỹ Đình)... cho thấy đều rất vắng khách và không ít gian hàng đã phải đóng cửa.


Khách hàng vào các trung tâm thương mại cao cấp rất ít mua sắm mà chủ yếu là tham quan, giải trí và khảo giá.  Ảnh: Linh Ngọc

Tại TTTM Grand Plaza, đã có bảng chỉ rõ các sản phẩm được bán ở 4 tầng. Tầng 1 bán mỹ phẩm, đồng hồ, trang sức, đồ da; tầng 2 có thời trang, phụ kiện thời trang, siêu thị mini; tầng 3 có nội thất, chăm sóc sức khỏe, đồ trẻ em; tầng 4 cà phê, nhà hàng, khu ẩm thực. Tuy nhiên, tại thời điểm này, mỗi tầng chỉ còn vài gian hàng mở cửa, thi thoảng mới thấy có khách hàng, mà chủ yếu là đến tham quan, ít mua bán. Nhân viên một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cho biết, gần đây mỗi ngày chỉ bán được vài sản phẩm, có ngày chỉ 1-2 khách đến xem không bán được một đồng nào. Những ngày lễ lớn như Valentine’s, 8-3 vừa qua cao nhất cũng chỉ bán được 3-5 triệu đồng tiền hàng/ngày. Không ít nhân viên đã xin nghỉ việc vì không bán được hàng, không có thu nhập. Một khách hàng "VIP" của TTTM này cho biết, nếu như ở các siêu thị bình dân khác, khách hàng đến mua sắm, không mua được cái này sẽ mua được cái kia, nếu không mua được gì có thể cùng gia đình hay bạn bè cải thiện ăn tươi hoặc uống cà phê. Nhưng ở các TTTM cao cấp lại rất khó. Vì thế, khách hàng chỉ có thể đến đây một lần cho biết, khó "thuyết phục" được khách quay lại lần thứ hai. Tại The Garden, không đến nỗi vắng khách như ở Grand Plaza nhưng số lượng khách đến đây cũng không nhiều. Lượng khách vào đây chủ yếu là xem hoặc các bạn trẻ vào chơi hoặc để thưởng thức các dịch vụ giải trí. Các nhân viên bán sản phẩm thời trang cho biết, khách hàng vào đây chỉ tham quan, khảo giá, nhưng thấy giá "mắc" nên cũng không mua được. The Garden shopping center là TTTM lớn, với diện tích khoảng 27.000m2, gồm 3 tầng hầm, 6 tầng dành cho mua sắm, ẩm thực. Ngoài ra, có bãi đỗ xe rộng hơn 1.000m2. Tầng B1 là khu vực siêu thị BigC; tầng G khu vực mỹ phẩm và đồ thương hiệu quốc tế, nhà hàng, cà phê...; tầng 1 là khu đồ trang sức, thời trang dành cho phái "đẹp"; tầng 2 là khu thời trang "phái mạnh", đồ chơi trẻ em; tầng 3 là khu vực đồ gia dụng, hiệu sách, đồ nội thất...; tầng 4 là khu ẩm thực, cụm rạp chiếu phim hiện đại, khu thể thao cao cấp. Điều đáng nói, khá nhiều gian hàng ở đây treo biển khuyến mãi giảm giá 20%, thậm chí giảm tới 50% nhưng vẫn không có nhiều khách giao dịch. Thăm dò từ chính những người đi mua hàng mới hay, giá cả là điều họ quan tâm nhất khi quyết định đến nơi nào để mua sắm. Khi chỉ định mua một chiếc ví da của thương hiệu nào đó, người mua hàng có thể khảo giá, so sánh chỗ nào rẻ hơn họ sẽ mua chứ không quan trọng mua chiếc ví đó ở TTTM nào.

Những mặt hàng được bán ở các TTTM cao cấp đã không phong phú, đa dạng, mà còn đắt hơn so với các siêu thị hay các cửa hàng chuyên bán hàng hiệu bên ngoài. Các nhà quản lý cho rằng, do khủng khoảng kinh tế nên không ít người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cao cấp của người dân Thủ đô nói riêng, các thành phố lớn nói chung cũng chưa nhiều do thu nhập còn chưa cao. Hơn nữa, người tiêu dùng trong nước có sở thích "săn" hàng khuyến mãi khi mua sắm, vì thế, nhiều cửa hàng, siêu thị khác cũng đưa ra nhiều "chiêu" khuyến mãi để hút khách, nhất là vào những ngày lễ tết. Vì thế, các TTTM cao cấp cũng nên bán hàng Việt Nam chất lượng cao, vì loại hàng này cũng không thua kém các thương hiệu nổi tiếng, mà giá lại "mềm" hơn, đồng thời cũng là cách hưởng ứng có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Nếu cứ tình trạng chỉ bán hàng hiệu như các TTTM cao cấp nói trên, vừa lãng phí diện tích, vừa đọng vốn...

Thắng Ngọc