Nhân lực mỏng, chế tài yếu
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 06/04/2012
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, dân số thường xuyên sống và tạm trú trên địa bàn đã ở mức hơn 7 triệu người. Những năm qua, lượng phương tiện giao thông tăng nhanh (12-15%/năm). Đến nay đã có xấp xỉ 5 triệu phương tiện (hơn 446 ngàn ô tô và gần 4,5 triệu mô tô, xe máy). Ngoài ra, còn có 9.250 ô tô của các cơ quan TƯ và khoảng 1.350 ô tô quá cảnh qua địa bàn. Phương tiện giao thông tăng nhanh khiến cho sức ép lên hệ thống hạ tầng GTVT Thủ đô càng trở nên trầm trọng. Trong khi đó, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn yếu. Tình trạng lấn chiếm hè, đường để đỗ xe, kinh doanh buôn bán còn nhiều...
Thanh tra Giao thông Hà Nội kiểm tra, xử lý trường hợp xe khách đỗ đón, trả khách sai quy định. Ảnh: Bá Hoạt
Trong những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đầu tư phát triển hạ tầng, lãnh đạo TP thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm hè đường, hành lang ATGT để dừng đỗ xe, kinh doanh buôn bán; các hành vi gây ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) như điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi lái xe, đi sai phần đường, lạng lách đánh võng, chống người thi hành công vụ… Thống kê cho thấy, trong năm 2010, toàn TP đã xử phạt hơn 832 ngàn trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 222 tỷ đồng; năm 2011 xử phạt gần 909 ngàn trường hợp, phạt tiền hơn 226,5 tỷ đồng; trong 3 tháng đầu năm 2012 đã xử phạt gần 212 ngàn trường hợp, phạt tiền gần 55,25 tỷ đồng. Rõ ràng, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã kiên trì trong kiểm tra và kiên quyết xử lý, nhưng tình trạng vi phạm vẫn ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước. Thậm chí, đã xuất hiện nhiều vụ đối tượng vi phạm có biểu hiện chống người thi hành công vụ. Năm 2011, đã xảy ra 41 vụ chống người thi hành công vụ. Lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT đã phải bắt giữ 45 đối tượng, tạm giữ 10 ô tô và 27 mô tô bàn giao cho cơ quan chức năng giải quyết.
Bất cập vì vướng đủ thứ
Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT đường bộ đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc và TNGT trên địa bàn. Số điểm "đen" giao thông đã giảm từ 124 điểm của năm 2011 xuống còn 74 điểm hiện nay. Quý I-2012, tình trạng TNGT đã giảm trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng chức năng đã gặp phải rất nhiều bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, khung chế tài xử phạt đang rất yếu. Thậm chí, một số quy định trong các văn bản pháp quy còn không khả thi, thiếu thực tiễn. Ông Nguyễn Thế Công - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình kiến nghị: Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có mức phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Mức phạt này đối với các tổ chức chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán lớn thì không đáng kể, nhưng đối với những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ thì lại là quá cao, trong khi nhóm đối tượng này là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông. Do đó cần sửa đổi, chia thành nhiều mức vi phạm để có thể xử lý được trên thực tế. Còn theo ông Nguyễn Kim Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, cần tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi đổ phế thải không đúng nơi quy định, bởi để bắt được đối tượng đổ trộm phế thải phải mất rất nhiều thời gian, công sức, trong khi mức xử phạt chỉ có 2 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Cần tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép... Đặc biệt, đối với những đối tượng vi phạm nhiều lần, cần tăng mức xử phạt theo số lần vi phạm, đồng thời thông báo vi phạm về địa phương, nơi công tác.
Một số đại biểu băn khoăn, trong quy định về xử phạt hành chính hiện hành chưa đề cập cụ thể mức xử lý nếu đối tượng tái phạm. Hay với hành vi lạng lách đánh võng, đua xe rất nguy hiểm cho xã hội lại chưa có hướng dẫn cụ thể là có được tịch thu sung công hay không.
Không chỉ bất cập về cơ chế, chính sách, chế tài xử phạt, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông còn quá mỏng, trang thiết bị thiếu, đặc biệt là xe cẩu, xe kéo. Do đó cần tăng cường đầu tư trang thiết bị cho lực lượng làm nhiệm vụ; tăng thẩm quyền xử phạt trực tiếp cho lực lượng CSGT, bởi đối với những hành vi vi phạm vào buổi tối, khi Kho bạc Nhà nước ngừng hoạt động thì việc xử phạt vi phạm lại gặp khó khăn.