Những lời cảnh báo

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 06/04/2012

(HNM) - Kết thúc đợt thanh tra tại Tập đoàn Sông Đà, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về hàng loạt sai phạm với số tiền cần phải xử lý lên tới hơn 10.676 tỷ đồng. Thông tin này có lẽ là bất ngờ nhưng lại không mới với dư luận.

Thực tế việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (gọi tắt là tập đoàn) làm ăn thua lỗ từ lâu đã khiến dư luận bức xúc. Sau Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), đến Tập đoàn Điện lực (EVN) rồi thông tin về các khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng ở Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines), Tổng Công ty Xăng dầu (Petrolimex)… nhiều người đã đặt câu hỏi sẽ còn những "con chim đầu đàn" nào đuối sức?

Nhưng tiếc là dù đã có những cảnh báo và thực tế đã chứng minh, song đến nay nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động và hiệu quả kinh tế của các tập đoàn vẫn chưa được cải thiện là bao.

Theo báo cáo, 3 tháng đầu năm 2012 đã có khoảng 12.000 doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động chỉ vì thiếu vốn hoặc thiếu các điều kiện để tồn tại. Nhưng với các tập đoàn thì câu chuyện lại khác. Thua lỗ không hẳn do khách quan mà bắt nguồn từ cung cách làm ăn, công tác quản lý điều hành. Như những đứa con cưng, các tập đoàn nhận được quá nhiều ưu ái, cả về nguồn vốn, tài nguyên và thị trường, nhưng thường được xếp vào nhóm kinh doanh kém hiệu quả nhất. Quá trình quản lý sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp cũng bị buông lỏng làm thất thu thuế nhà nước, nhiều khoản vốn có nguy cơ mất. Thực tế có nhiều tập đoàn và các đơn vị thành viên đầu tư ra ngoài ngành, vượt vốn điều lệ, nhưng khi thua lỗ thì họ lại than khó để xin hỗ trợ về cơ chế, về tài chính. Nhưng nghịch lý ở chỗ, khi xuất hiện nhiều thông tin quanh vấn đề "sức khỏe" của khối doanh nghiệp này, thì thay vì tập trung vào việc nâng cao năng lực, nhiều tập đoàn lại đề nghị Chính phủ chỉ đạo cắt giảm nguồn tín dụng đầu tư của khối tư nhân qua các kênh ngân hàng và tín dụng có bảo lãnh của Chính phủ để tạo điều kiện hơn cho khối nhà nước. Điều này có lẽ cũng xuất phát từ ảnh hưởng bởi vị trí con cưng của một vài doanh nghiệp nhà nước. Họ mở rộng kinh doanh ồ ạt nhưng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có doanh nghiệp vay nợ đến mức không thể kiểm soát nổi. Điển hình như Vinashin trước đây, hay bây giờ là Tập đoàn Sông Đà đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ với số tiền trên 2.335 tỷ đồng.

Mới đây, khi làm việc với Vinalines, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xem xét Quyết định về giám sát tài chính đối với tập đoàn. Theo đó, việc lỗ, lãi, trách nhiệm của tập đoàn, việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước sẽ được công bố công khai. Bộ trưởng Huệ khẳng định: "Nếu doanh nghiệp nhà nước có hai năm liên tiếp thua lỗ sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta phải làm gương cho các thành phần kinh tế khác".

Bốn năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước, trong đó yêu cầu cách chức hoặc thay thế những người quản lý, điều hành doanh nghiệp thua lỗ. Giờ đây, trả lời báo chí bên lề cuộc họp cấp cao ASEAN tại Campuchia tuần rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sắp tới Chính phủ sẽ chú trọng vào việc xác định quy mô và phạm vi của lĩnh vực kinh tế nhà nước, mục tiêu là chỉ giữ lại một vài doanh nghiệp nhà nước then chốt trong một số ngành. Trên thực tế, chỉ vừa mới đây, Thủ tướng đã quyết định "truất quyền" lãnh đạo với Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN. Rồi việc tòa án phán quyết bản án 20 năm tù đối với cựu lãnh đạo Vinashin. Sự việc được dư luận cả nước đồng tình, đánh giá cao. Không biết sau này có còn người đứng đầu tập đoàn nào phải nhận thẻ đỏ nữa hay không. Nhưng hy vọng rằng, đây sẽ là lời cảnh báo nghiêm khắc cho bất cứ tập đoàn nào.

Tuấn Kiệt