Quý I: Phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền 30.720 tỷ đồng

Đời sống - Ngày đăng : 16:07, 05/04/2012

Đang thanh tra tại Agribank * Không vin vào vụ Tiên Lãng để xét lại các vụ giải quyết khiếu nại đất đai khác (HNMO) - Ngày 5-4, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra quý 1-2012.

* Đang thanh tra tại Agribank
* Không vin vào vụ Tiên Lãng để xét lại các vụ giải quyết khiếu nại đất đai khác

(HNMO) - Ngày 5-4, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra quý 1-2012. Theo đó, trong quý đầu tiên của năm nay, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 25 cuộc thanh tra về một số tập đoàn, tổng công ty lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất, Bộ Xây dựng (thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở)... Qua đó, phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 3.712 tỷ đồng và yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với một số tập thể, cá nhân có vi phạm.

Đáng lưu ý, qua thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà đã phát hiện nhiều sơ hở, yếu kém. Tập đoàn và các đơn vị thành viên đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ, vi phạm quy định của Bộ Tài chính với số tiền trên 2.335 tỉ đồng. Tiêu biểu là góp vốn vào Quỹ Đầu tư Việt Nam, Quỹ Thành viên Vietcombank 3 (thuộc Công ty liên doanh quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank) gần 195 tỉ đồng nhưng không thu được hiệu quả, có nguy cơ mất vốn nhà nước. Công ty BOT hầm đường bộ Đèo Ngang trích khấu hao tài sản cố định trên 27 tỉ đồng, làm giảm lợi nhuận sau thuế gần 20 tỉ đồng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 7,5 tỉ đồng. Ngoài ra, Tổng công ty Sông Hồng được Bộ Xây dựng phê duyệt chủ đầu tư dự án Nhà máy đèn huỳnh quang có tổng mức đầu tư trên 43 tỉ đồng nhưng khi triển khai thực hiện đã cho nhập thiết bị của Trung Quốc không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Hậu quả sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Đến khi cổ phần hóa Tổng công ty Sông Hồng thì toàn bộ thiết bị máy móc này bị loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp nhưng trách nhiệm các bên liên quan chưa được làm rõ. Một đơn vị thành viên là khác là Tổng công ty Sông Đà không thực hiện chức năng chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội; không thực hiện Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, chuyển cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà làm chủ đầu tư dự án nhưng không có văn bản báo cáo bộ ngành.

Nhìn tổng thể, hàng loạt sai phạm tại Tập đoàn cần phải xử lý lên tới hơn 10.676 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Xây dựng cùng Tập đoàn Sông Đà tiến hành rà soát lại việc đầu tư ra ngoài ngành, đánh giá hiệu quả đầu tư và tập trung vào ngành nghề chính, tính toán, xây dựng lộ trình thoái vốn hợp lý, tránh thiệt hại lãng phí; Bộ Xây dựng chủ trì cùng Tập đoàn Sông Đà tiến hành làm việc với Bộ Tài chính xử lý những tồn tại về tài chính sau thanh tra; UBND TP Hà Nội rà soát lại quy hoạch và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện Dự án Khu đô thị Nam An Khánh theo đúng quy định.

Về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, trong 3 tháng đầu năm, số vụ, số đơn thư có giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng riêng sau vụ giải quyết ở Tiên Lãng, TP Hải Phòng (khoảng thời gian từ 20/2 - 25/3), số lượng đơn tăng 50%. Trong đó, 70% là về thu hồi giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai trong cả nước. Theo quan điểm của Thanh tra Chính phủ, trong vụ Tiên Lãng, sai phạm ở việc sử dụng, thu hồi đất. Còn các vấn đề khác có những tình tiết riêng chứ không thể vin vào vụ Tiên Lãng sai mà phải xem xét lại tất cả các vụ giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai khác. Việc đánh giá, xem xét đánh giá công tác giải quyết khiếu nại sau vụ Tiên Lãng, thẩm quyền chính là UBND TP Hải Phòng.

Cũng trong quý 1/2012, thanh tra các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành 901 cuộc thanh tra, trong đó đã kết thúc 395 cuộc. Tổng hợp kết quả từ các cuộc thanh tra đã có kết luận phát hiện sai phạm với số tiền 94.025 triệu đồng, 14,9ha đất, kiến nghị thu hồi 52.377 triệu đồng; đề nghị cấp thẩm quyền xem xét xử lý 41.648 triệu đồng, xử lý hành chính 69 tập thể, 143 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xem xét 4 vụ việc, 4 cá nhân.

Hôm nay, trả lời báo chí các câu hỏi xoay quanh việc quy trách nhiệm những cá nhân liên quan đến vi phạm của các Tập đoàn, Tổng Công ty trong quý I, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, về nguyên tắc chung quy trách nhiệm là có, nhưng quy trách nhiệm đến đâu, xử lý như thế nào đòi hỏi phải có quy trình. Nếu chỉ nhìn vào những con số sai phạm lớn về kinh tế cũng chưa thể quy trách nhiệm ngay cho người đứng đầu. Hơn nữa, trên thực tế việc sai phạm là khác với thất thoát, bởi sai phạm thì có thể tiền vẫn còn đấy nhưng do cách phân bổ, điều chuyển sai, còn thất thoát có nghĩa là số tiền đó đã không còn trong ngân sách đơn vị. Về xử lý “hậu thanh tra”, ông Ngô Văn Khánh thừa nhận chưa được tốt. Hiện, Thanh tra Chính phủ chưa có tỷ lệ chung thu hồi các khoản tiền hậu thanh tra. Tỷ lệ thu hồi ở một số việc lên đến 100%. Tuy nhiên, có những việc thì không đạt được đến 100% do một số lý do khách quan và cơ chế.

Nói về những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề quản lý, sử dụng vốn tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Ngô Văn Khánh cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu rà soát việc đầu tư ra ngoài ngành, đề xuất xử lý những tồn tại tài chính và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong những sai phạm…”. Hiện Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục hoàn chỉnh kết luận của 11 cuộc thanh tra và tiến hành 3 cuộc thanh tra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), việc giao đất, giao rừng và một số dự án đầu tư tại tỉnh Đắc Nông, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, khiếu nại tố cáo tại Quảng Bình.

Hà Phong