Mẹo đơn giản giúp mắt khỏi hội chứng thị lực máy tính

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:34, 05/04/2012

Nếu bạn sử dụng máy tính trên hai giờ mỗi ngày, bạn có thể mắc hội chứng thị lực máy tính (Computer Vision Schrome). Các triệu trứng dễ thấy như đau đầu, khó tập trung, mỏi hoặc rát mắt, mờ thị lực, đau cổ và vai...


Màn hình máy tính là thủ phạm của căn bệnh này. Mắt không xử lý các ký tự trên màn hình tốt như trên tài liệu in truyền thống. Các ký tự trên tài liệu in có cạnh rõ nét hơn các ký tự trên màn hình. Vì vậy, mắt phải vất vả hơn trong việc duy trì sự tập trung vào các ký tự trên màn hình, dẫn đến mỏi mắt. Không chỉ có màn hình máy tính, hầu hết các thiết bị điện tử như di động cũng có thể gây ra mỏi mắt.


Sau đây là 10 bí quyết mà bạn có thể làm ngay để tránh hội chứng thị lực máy tính này.

1. Đặt máy tính cách xa cửa sổ

Nguồn ánh sáng sáng chói là nguyên nhân lớn nhất làm mỏi mắt người sử dụng máy tính. Do đó, bạn nên tránh đặt máy tính cạnh cửa sổ vì sự chênh lệch độ sáng giữa độ sáng màn hình và ánh sáng ngoài trời làm mắt căng thẳng và khó chịu. Tốt nhất bạn nên lựa chọn màn hình chống chói để giảm bớt sự phản xạ khi có ánh sáng chiếu vào.

2. Điều chỉnh độ cao của màn hình

Để mắt đạt được trạng thái thoải mái nhất, bạn nên đặt trung tâm màn hình dưới tầm mắt của bạn từ 5 đến 9 inch.

3. Chớp mắt thường xuyên hơn

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nhìn vào máy tính hay màn hình kỹ thuật số, người dùng dành nhiều thời gian vào việc nhìn vào chúng và chớp mắt ít hơn bình thường đến 3 lần. Không chớp mắt thường xuyên có thể dẫn đến bề mặt của mắt và võng mạc bị khô gây cảm giác khó chịu và nhìn hình ảnh không rõ rệt. Vì vậy nên chớp mắt thường xuyên hơn khi ngồi trước máy tính sẽ cung cấp đủ độ ẩm cho mắt.

4. Điều chỉnh độ sáng màn hình máy tính

Điều chỉnh độ sáng màn hình phù hợp có thể giúp đỡ mỏi mắt. Thay đổi độ sáng của màn hình máy tính cân bằng với ánh sáng của môi trường xung quanh. Khi đọc những tài liệu dài nên xem chúng ở chế độ chữ đen nền trắng.

5. Nghỉ ngơi

Đôi mắt của bạn sẽ không còn khỏe nếu nhìn ở một khoảng cách gần trong nhiều giờ mà không nghỉ ngơi. Bạn nên làm theo nguyên tắc 20/20/20 có nghĩa là cứ 20 phút thì nghỉ giải lao 20 giây khi đó để mắt bạn rời khỏi máy tính ít nhất 6 mét. Bạn nên di chuyển mắt thường xuyên để nhìn vào nhiều vị trí khác nhau.

6. Điều chỉnh khoảng cách màn hình

Nếu bạn có thể chạm vào màn hình khi bạn ngồi trên ghế có nghĩa là bạn đã đặt màn hình quá gần. Để chọn vị trí phù hợp đặt màn hình, bạn áp dụng “nguyên tắc một phần ba”. Theo nguyên tắc này, bạn để màn hình hiển thị một tài liệu cụ thể nào đó hay email bạn thường sử dụng, di chuyển người ra sau cho đến khi thấy tài liệu mờ dần thì dừng lại. Đo khoảng cách giữa nơi bạn đứng và màn hình rồi chia làm ba. Màn hình nên được đặt ở khoảng cách đó.

7. Khám mắt định kỳ

Đối với những ai thường xuyên phải ngồi trước máy tính, kiểm tra mắt định kỳ là rất cần thiết. Nếu bất cứ lúc nào bạn cảm thấy những vấn đề về mắt hay cảm thấy khó chịu, hãy tìm đến những chuyên gia về mắt để được chữa trị kịp thời.

8. Ánh sáng trong nhà đầy đủ

Nên tránh làm việc dưới ánh sáng đèn huỳnh quang nếu có thể. Lựa chọn những đèn bàn thay thế. Sử dụng thử nghiệm sau giúp bạn có thể điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp: dùng một gương nhỏ và đặt nó trên màn hình máy tính, nếu thấy trong gương có các nguồn sáng rọi vào thì bạn nên đặt lại vị trí của nó để giảm bớt độ chói.

9. Giữ các thiết bị kỹ thuật số xa khỏi tầm mắt

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng con người thường nhìn gần những thiết bị số hơn những tài liệu được in như tờ báo. Bạn càng nhìn gần mắt bạn càng căng thẳng. Do vậy bạn nên cố gắng để những thiết bị số như điện thoại xa hơn tầm mắt nhìn bình thường, điều chỉnh những cài đặt cần thiết để cảm thấy thoải mái hơn.

10. Dán tài liệu bằng giấy lên màn hình

Nhiều người thường đặt tài liệu làm việc của mình sang bên cạnh bàn gần màn hình. Điều này khiến mắt và toàn bộ cơ thể phải thường xuyên di chuyển khiến mất tập trung. Vì vậy nên dán tài liệu cần thiết lên màn hình để mắt có thể tập trung.

Thenextweb.com, VnMedia