Gia đình là hạt nhân
Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 05/04/2012
Hiện nay đáng báo động là tình trạng bắt cóc trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh diễn biến phức tạp. Năm 2011, dư luận cả nước xôn xao về vụ bắt cóc trẻ em ở Bệnh viện Phụ sản trung ương. Đầu năm 2012, lại liên tục xảy ra các vụ bắt cóc trẻ em. Đáng chú ý là vụ nhóm đối tượng bắt cóc cháu bé tại Mộc Châu (Sơn La), đưa về Hòa Bình, nhằm khống chế gia đình nạn nhân, tống tiền. Hay như hai vụ bắt cóc liên tiếp xảy ra tại huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An), trong đó có vụ kẻ gây án là người thân của nạn nhân… Một cán bộ điều tra cho biết, số vụ dùng trẻ em để khống chế đòi nợ có thể còn nhiều hơn số được phát hiện do gia đình nạn nhân không trình báo vì lo cho an toàn tính mạng con em hoặc do việc vay nợ liên quan đến hoạt động phạm pháp khác…
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ em ngày càng có nguy cơ bị xâm hại nhiều do đây là đối tượng ít có khả năng tự bảo vệ, trong khi tội phạm ngày càng manh động. Thêm nữa, ý thức chăm sóc, bảo vệ trẻ em của nhiều gia đình chưa cao, chưa hình thành kỹ năng. Trong bối cảnh phức tạp của kinh tế thị trường, trẻ em dễ bị "bỏ rơi" ngay tại gia đình.
Cũng vì bị "bỏ rơi", nhiều trẻ vị thành niên lao vào con đường hư hỏng và dần dần trở thành tội phạm. Cũng vì bị "bỏ rơi" trong giáo dục, khi xuất hiện nhu cầu tiền bạc để thỏa mãn những thú chơi đắt đỏ hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn, nhiều đối tượng dễ trở nên mù quáng, bột phát gây án…
Ở mức độ ít nghiêm trọng hơn nhưng cũng đáng phải suy nghĩ là hiện tượng trẻ em vi phạm pháp luật trong nhà trường cũng đang gia tăng. Chưa nhiều những vụ án có tính chất nghiêm trọng nhưng chuyện học sinh đánh nhau, thậm chí xúc phạm, tấn công giáo viên không hiếm. Ngược lại, cũng còn xảy ra một số vụ việc thầy giáo, cô giáo xúc phạm, đánh đập học sinh…
Đại tá Hồ Sĩ Tiến, quyền Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH - Bộ CA cho biết, trước tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm vị thành niên diễn biến phức tạp như vừa qua, đơn vị đã và đang xây dựng các kế hoạch về phòng ngừa hoạt động phạm pháp của trẻ vị thành niên cũng như đấu tranh ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em. Nhưng vì đây là vấn đề mang tính xã hội lớn, việc phòng ngừa hay bảo vệ trẻ em khỏi các đối tượng phạm pháp phải có sự vào cuộc của cả gia đình và xã hội, trong đó cần có sự tham gia tích cực của ngành GD-ĐT, LĐ,TB&XH. Chính vì vậy, thời gian tới, cơ quan CA sẽ tăng cường hợp tác với hai ngành trên trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và ngăn chặn vị thành niên vi phạm pháp luật.
Hiện, các cơ quan pháp luật Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế tố tụng đối với trẻ em, nhằm tạo môi trường điều tra thân thiện với trẻ vị thành niên. Nhưng đó chỉ là biện pháp giải quyết phần ngọn của vấn đề, khi hậu quả đã xảy ra. Hạt nhân của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em không ai khác chính là gia đình, nhưng cũng không thể thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các đoàn thể chính trị - xã hội. Chỉ cần lơi là "bỏ rơi" đối tượng này thời gian ngắn, nguy cơ tội phạm và bị xâm hại thật khó lường.