Nhân lực ngành công nghiệp Hà Nội: Cần một cú hích
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 05/04/2012
Thế nhưng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp lại phát triển không đáng kể về số lượng lẫn chất lượng. Năm 2005, TP có hơn 500 nghìn lao động công nghiệp. Ba năm sau (năm 2008), nguồn nhân lực này tăng thêm gần 100.000 lao động. Đến năm 2010, là 639.641 lao động. Trong khu vực kinh tế nhà nước, nguồn nhân lực có bước thụt lùi, giảm từ 86.698 lao động (kinh tế nhà nước trung ương năm 2005) xuống còn 67.680 lao động (năm 2010); từ 31.188 lao động (kinh tế nhà nước địa phương năm 2005) giảm xuống còn 20.080 lao động (năm 2010).
Đào tạo nghề điện tử tại Trường ĐH Công nghiệp. Ảnh: Trung Kiên |
Trong ngành công nghiệp của TP có 5 ngành thu hút nhiều lao động là điện tử (37.476 lao động), sản xuất hóa chất, cao su, plastic (43.702 lao động), dệt - may (132.069 lao động), thực phẩm (56.238 lao động) và cơ khí (126.161 lao động). Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực ở những ngành này vừa thiếu vừa chất lượng thấp. Đơn cử như trong ngành điện tử, so với mặt bằng chung của thành phố, lao động ngành này có chất lượng khá nhưng so với yêu cầu của ngành thì lại chưa đáp ứng được, thiếu hẳn công nhân có tay nghề cao. Ngành sản xuất các sản phẩm từ hóa chất, cao su, plastics cũng vậy. Ngành dệt - may thu hút nhiều lao động nhưng yếu về khâu sáng tạo và thiết kế.
Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, lao động trong ngành sản xuất thực phẩm đồ uống chiếm 8,8% tổng số lao động trong toàn ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã chú trọng đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng tự động hóa một phần vào sản xuất, kiểm soát tương đối chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường. "Nhưng hạn chế lớn nhất của ngành này là thiếu lao động kỹ thuật tay nghề cao, các kỹ sư chuyên ngành rất ít và khó tuyển dụng", bà Vịnh nhấn mạnh.
Hà Nội có tiềm năng lớn về nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực công nghiệp. Quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghiệp là hết sức quan trọng. Để đưa Hà Nội đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, TP cần có nhiều hơn nữa những cú hích về cơ chế chính sách, quy hoạch và đầu tư phát triển ngành công nghiệp, về đào tạo nguồn lao động cho ngành công nghiệp, về thu hút, bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn lao động... Và để có nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài cần phải đẩy mạnh công tác dạy nghề, nâng cao trình độ kỹ thuật cho người lao động, gắn đào tạo lao động kỹ thuật với chuyển dịch cơ cấu lao động; đa dạng hóa các loại hình đào tạo (tập trung, không tập trung, dài hạn hoặc ngắn hạn), có chính sách phát triển dạy nghề tại doanh nghiệp; chú trọng dạy các nghề áp dụng công nghệ cao cung cấp cho các doanh nghiệp.