Bài cuối: Không thiếu giải pháp, chỉ yếu thực thi
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:00, 05/04/2012
Nhưng thực tế, ở những nơi nào hệ thống đường giao thông, biển báo đầy đủ kết hợp với việc lực lượng CSGT kiên quyết xử lý vi phạm, không có sự nhũng nhiễu, tiêu cực trong thừa hành nhiệm vụ và sát sao trong tuần tra, kiểm soát thì nơi đó TNGT được kiềm chế.
Biết rõ nguy hiểm rình rập
Có lẽ, chúng tôi xin được bắt đầu về những giải pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) bằng kết quả khảo sát, kiến nghị về ATGT, đặc biệt trên tuyến quốc lộ (QL) 1 của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Quảng Bình. Với 122km QL 1A chạy qua Quảng Bình, mật độ bình quân trên tuyến đường này là 4.256 ô tô và 2.300 mô tô lưu thông mỗi ngày. Với lượng xe này, hệ thống giao thông và các công trình phụ trợ như hệ thống biển báo, cọc tiêu, vạch kẻ đường, rào chắn, gờ giảm tốc… về cơ bản đã bảo đảm tốt cho các phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, một số đoạn đường đã bị xuống cấp, sụt lún, khiến cho phương tiện lưu thông rất khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức giao thông vẫn chưa thực sự khoa học, hợp lý, nhất là các đoạn giao cắt với QL chưa bố trí hợp lý khiến lái xe bị che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT.
Ý thức chấp hành pháp luật ATGT của nhiều lái xe chưa cao là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT trên các tuyến quốc lộ. |
Phòng CSGT Quảng Bình cho rằng, những kiến nghị mà lực lượng CSGT đưa ra mới chỉ được thực hiện một phần, còn khá nhiều đề xuất cấp bách vẫn chưa được phản hồi và triển khai. Điển hình nhất là tại khu vực đèo Lý Hòa, mặc dù đã kiến nghị nhiều lần, nhưng độ siêu cao của đèo vẫn chưa được khắc phục khiến các phương tiện vào cua bị lực ly tâm lớn đẩy ra ngoài, khiến phương tiện rất dễ tự đổ và luôn tiềm ẩn những vụ TNGT liên hoàn. Riêng điểm đầu nối QL 1A với đường tránh thành phố Đồng Hới, tại ngã ba phía bắc, nơi giao nhau giữa QL 1A với đường tránh vòng xuyến quá lớn tạo khúc cua lớn, cua gấp gây nguy hiểm cho lái xe vào, gây ra nhiều vụ TNGT không đáng có. Bên cạnh đó, để giảm số vụ TNGT, Đại tá Nguyễn Quốc Tường, Trưởng phòng CSGT CA tỉnh Quảng Bình cho rằng, cùng với việc nâng cấp các tuyến QL và hoàn thiện hệ thống biển báo thì các doanh nghiệp vận tải cũng chưa chú trọng nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của đội ngũ lái xe cũng như xây dựng văn hóa giao thông cho đội ngũ này. Nhiều doanh nghiệp hiện nay còn quá chú trọng đến lợi nhuận, bỏ qua công tác đăng kiểm, kiểm tra chất lượng phương tiện trước khi cho xe lăn bánh, vô hình trung đã tạo sức ép lên lái xe khi tham gia giao thông.
Quản lý kém, xử lý vi phạm chưa nghiêm
Đưa ra những giải pháp nâng cao trật tự ATGT, kiềm chế TNGT, Nghị quyết 32 của UB Thường vụ Quốc hội xác định 7 nhóm giải pháp bao gồm: Hoàn thiện thể chế pháp luật về trật tự ATGT, cơ sở hạ tầng, đào tạo người lái xe, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao năng lực và hiệu quả của lực lượng tuần tra, kiểm soát. Đây được xem là gốc rễ của vấn đề bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến cho rằng, nhận thức của một số cấp ủy Đảng về vấn đề này còn hạn chế, chưa coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên phải quan tâm chỉ đạo, thiếu các biện pháp thiết thực, kiên quyết để giảm thiểu TNGT. Một số văn bản ban hành còn chậm so với thời điểm luật có hiệu lực, chưa đi vào thực tế cần phải sửa đổi. Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT còn nhiều bất cập. Mặt khác, việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn buông lỏng; ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của đội ngũ lái xe chưa tốt, nhất là lái xe khách...
Báo cáo kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về bảo đảm TTATGT cũng cho rằng, nguyên nhân chủ quan có tính bao trùm là sự yếu kém, bất cập trong quản lý nhà nước về TTATGT, nhất là công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chưa tương xứng với quyết tâm mà Đảng và Nhà nước đã xác định. Bởi vậy, TNGT mặc dù đã và đang được kiềm chế nhưng vẫn chưa có tính bền vững, thời gian gần đây, số vụ TNGT nghiêm trọng có chiều hướng tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để khắc phục tình trạng này, cần áp dụng các biện pháp mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, cụ thể là tăng tiền phạt và áp dụng các hình phạt bổ sung. Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an cần nghiên cứu phân cấp mạnh mẽ cho địa phương về công tác quản lý (nhất là quản lý QL), công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT; tiếp tục cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, chống tiêu cực trong nội bộ.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt nhìn nhận, cần phải xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT và sửa đổi Nghị định 34 về xử lý vi phạm giao thông bằng cách tăng hình phạt gấp 3-4 lần đối với những hành vi có nguy cơ cao về TNGT như vượt quá tốc độ, lấn làn, chở quá tải, quá số người quy định. Nếu tăng mức phạt như vậy, kết hợp với việc xử lý nghiêm của lực lượng CSGT, TNGT chắc chắn sẽ giảm đáng kể. Năm 2012, Bộ Công an đã coi vấn đề chấn chỉnh lực lượng CSGT là vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng. Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, cuối năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, tình hình chung chi, nhũng nhiễu của một bộ phận lực lượng CSGT đã giảm. Ông Tuyên cho biết, năm 2011, CSGT cả nước đã lập hơn 6,5 triệu biên bản xử lý vi phạm giao thông với tổng số tiền phạt lên đến hơn 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm TTATGT vẫn còn ở mức cao. Lý giải, ông Tuyên cũng cho rằng, có nhiều hành vi dù bị phạt nặng nhưng những người điều khiển phương tiện vẫn có thể nộp phạt rồi tiếp tục tái phạm dẫn đến nhiều nguy cơ về TNGT.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UB ATGT quốc gia cho rằng, cần có nhiều hình phạt bổ sung đối với một số nhóm đối tượng, ví dụ tịch thu phương tiện, tịch thu vĩnh viễn đối với những lái xe gây TNGT nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần nhằm lập lại TTATGT. Một số ý kiến lại cho rằng, hiện nay chúng ta chưa phát huy được hiệu quả trong việc điều hành và quản lý để bảo đảm TTATGT, chưa chú trọng quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông, giáo dục pháp luật cho người tham gia giao thông... Đặc biệt, pháp luật về ATGT đã có nhưng áp dụng chưa đến nơi đến chốn, còn bất hợp lý trong việc xử lý, đền bù khi TNGT xảy ra. Đối với QL 1 cần di dời dân cách đường 100m và nếu mở đường phải cách 200m, coi đây là giải pháp lâu dài, bền vững để bảo đảm ATGT. Để làm được việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải mở rộng phạm vi giám sát, nhất là "giám sát việc thi hành pháp luật về giao thông", làm tốt công tác trên 4 lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, tổ chức giao thông và ý thức của người tham gia giao thông. Đây có thể được coi là giải pháp cơ bản góp phần quan trọng giảm bớt những thiệt hại, đau thương do TNGT thảm khốc gây ra.