Việt Nam vẫn nằm trong 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao

Xã hội - Ngày đăng : 12:21, 04/04/2012

(HNMO) - Ngày 4-4, Viện Dinh Dưỡng quốc gia tổ chức công bố kết quả Tổng điều tra về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, 10 năm qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên tình trạng dinh dưỡng của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi đã được cải thiện rõ rệt với khẩu phần ăn có lượng Protid, Lipid cân đối hơn. Theo đó, chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam ở nhóm 22-26 tuổi cho cả nam và nữ, với mức đạt được trung bình của nam là 1,64m, nữ là 1,54m. Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ dưới 5 tuổi giảm mạnh với mức giảm chung của cả nước là 1,5%, vượt chỉ tiêu của chiến lược đề ra (từ 31,9% năm 2001 xuống còn 25,2% năm 2005 và 17,5% năm 2010). Tỷ lệ SDD thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 43,3% năm 2000 xuống 29,3% năm 2010, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ SDD thể thấp còi cao.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi chung toàn quốc là 4,8% (thành phố 5,7%, nông thôn 4,2%), đạt so với mục tiêu chiến lược đề ra là dưới 5%. Kiến thức của người dân về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được nâng cao với 82,1% người tiêu dùng từng được xem/nghe/tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm; tỷ lệ người dân hiểu biết về các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm cũng khá cao, trung bình là 69,7% và 73,6% đối với hai triệu chứng ngộ độc điển hình. Nhờ đó, so với năm 1999, năm 2009 số vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt giảm 53,5%, số người bị ngộ độc giảm 31,2% và tử vong do ngộ độc thực phẩm giảm 51,4%.

Trên cơ sở kết quả điều tra, để tiếp tục giữ vững những thành quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã vừa kí Quyết định số 226/QĐ-Ttg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh duỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn năm 2030 với 6 mục tiêu cụ thể : tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân; cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em (phấn đấu tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi còn 26% và SDD thể nhẹ cân 15% vào năm 2015); cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng; từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành (kiểm soát ở mức dưới 8% vào năm 2015, duy trì dưới 12% vào năm 2020); nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng cộng đồng và cơ sở y tế (đến năm 2015, bảo đảm 50% số tỉnh có đủ năng lực giám sát về dinh dưỡng và đạt 75% vào năm 2020).

Đức Trung