Bài 2: “Lách” luật, coi thường mạng sống
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:12, 04/04/2012
Cố tình vi phạm luật
Để thêm một lần thị sát trên đường trong chuyến viết về an toàn giao thông, 9h sáng, chúng tôi bắt xe khách quay ngược từ Quảng Bình về Hà Tĩnh. Đây là đoạn đường khá thoáng ngoại trừ đoạn đèo Lý Hòa thuộc địa phận huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Đường vắng, bác tài đã ngoài 60 tuổi với mái tóc hoa râm cho xe chầm chậm lăn bánh. Nhưng khổ nỗi, chiếc xe chắc được sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước hết ậm ạch gầm rú rồi lại cót két qua mỗi đoạn đường xóc. Thi thoảng, bác tài lại phải lay đến 3-4 bận chiếc cần số để chuyển số khiến chiếc xe cứ giật đùng đùng, kêu kèn kẹt. Mỗi lần còi, bác tài lại đưa tay xuống gầm vô lăng bấm bấm cái công tắc như công tắc quạt vậy. Cám cảnh vì chiếc xe, tôi hỏi: "Sao chú không đầu tư lấy một chiếc xe mới hơn mà chạy cho nhàn?". Không cần nhìn người hỏi, bác tài cười buồn: "Tiền mô chú? Tui chạy kiếm cơm qua ngày thôi mà!".
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. |
Vừa đi, vừa trò chuyện, bác tài cho biết, tuyến Đồng Hới - chợ Thanh Khê dọc quốc lộ 1A này chừng 30km, chủ yếu phục vụ người dân đi chợ và chuyển hàng. Thi thoảng các cháu học sinh nhỡ xe đi quá giang chừng 5-7km là xuống. Còn với khách tuyến, khách đi xa thì họ vào bến hoặc bắt những xe chạy tuyến cố định. Cũng vì thế mà chiếc xe dù đã quá cũ nhưng hằng ngày vẫn phải lăn bánh phục vụ dân sinh. Nhìn chiếc xe, tôi lại liên tưởng đến những chuyến xe "tốc hành" từ Hà Nội đi các tuyến miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh... Sở dĩ tôi phải gọi là xe "tốc hành" cũng bởi từ lâu, cánh lái xe cũng như người tham gia giao thông trên tuyến này vẫn gọi những chuyến xe này là hung thần xa lộ. Họ đi nhanh cho kịp thời gian và đôi khi còn để giành khách của nhau. Và đương nhiên, có đến 85% số vụ TNGT có nguyên nhân từ đây. Nhưng bỏ qua tất cả, cánh lái xe lại cho rằng, hiện tại đường sá của ta nhiều đoạn còn xấu, đường hạn chế tốc độ còn nhiều nên gặp những đoạn đường thoáng, đường rộng là họ tranh thủ đi, kể cả vượt tốc độ cho phép. Điển hình trong chuyến xe chúng tôi di chuyển từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, chỉ với gần 30km đường tránh thành phố Huế, chiếc xe chạy Bắc - Nam biển kiểm soát Ninh Bình đã vất vả bò hết gần 3 giờ đồng hồ. Cả nhà xe và hành khách đều sốt ruột và bức xúc vì cung đường đầy những ổ gà nhưng mấy năm nay chưa được sửa chữa. Và để đối phó với CSGT khi tăng tốc sau những đoạn đường khổ ải này, mỗi khi gặp xe ngược chiều, họ thường giơ tay hoặc nháy đèn hỏi nhau xem phía trước có sự kiểm soát của lực lượng này hay không. Thậm chí, nhiều xe còn trang bị cả máy cảnh báo các trạm bắn tốc độ. Trong suốt những ngày di chuyển trên tuyến quốc lộ 1A, điều chúng tôi ghi nhận chỉ có những xe thuộc các hãng lớn như Mai Linh, Phương Trang... là tuân thủ tốt các quy định về TTATGT. Số còn lại phần lớn lái xe được các chủ xe thuê hoặc giao khoán nên họ bị sức ép về thời gian, doanh số. Điều này khiến họ chạy nhanh, chạy ẩu, lấn đường nhằm tranh giành khách bất chấp những quy định về TTATGT.
Tai nạn giao thông thảm khốc hơn sóng thần!
Hằng ngày lưu thông trên đường, nhưng có lẽ ít ai để ý rằng, theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2011 mặc dù có xu hướng giảm hơn so với những năm trước nhưng cả nước vẫn xảy ra 44.548 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 11.395 người chết và 48.734 người bị thương. Nếu tính ra con số trung bình thì cứ mỗi ngày có 30 người chết và 130 người bị thương vì TNGT. Đem ra so sánh, nhiều người đã cho rằng, số người chết vì TNGT ở Việt Nam hằng năm còn cao hơn số người chết vì trận thảm họa kép sóng thần, động đất tại Nhật Bản năm ngoái. Đó là chưa kể những thiệt hại về vật chất hàng nghìn tỷ đồng do TNGT gây ra.
Theo Cục CSGT đường bộ, đường sắt, để hạn chế những chuyến xe vô tâm, chuyến xe tử thần trên đường, chỉ trong 3 ngày gần đây nhất (24, 25, 26 tháng 3), lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 41.717 trường hợp vi phạm TTATGT, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước trên 11,5 tỷ đồng, tạm giữ 82 xe ô tô và gần 4.200 xe mô tô các loại. Phân tích các lỗi vi phạm, cơ quan chức năng cho rằng, có tới 48,6% số xe bị kiểm tra chạy quá tốc độ, 15,6% đi không đúng phần đường quy định. Cụ thể trong số 41.717 trường hợp vi phạm thì trong đó có 457 xe khách, 552 xe tải, 237 xe con. Với những vi phạm này, lực lượng CSGT đã phải tước giấy phép lái xe 168 trường hợp, trong đó có 41 trường hợp lái xe khách, 72 trường hợp lái xe tải... Phạt nhiều, tuyên truyền nhiều đối với các lái xe, bước đầu TNGT đã giảm đáng kể. Theo báo cáo của Cục CSGT đường bộ, đường sắt, cũng trong 3 ngày cuối tháng 3, toàn quốc xảy ra 55 vụ TNGT làm 48 người chết, 60 người bị thương.
Mặc dù xử lý vi phạm giao thông nhiều, song theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, sở dĩ TNGT ở một số địa phương vẫn còn nghiêm trọng là do việc tuyên truyền còn nặng hình thức và xử lý chưa nghiêm các lỗi vi phạm. Đặc biệt, một bộ phận CSGT có hiện tượng tiêu cực khi xử lý các vi phạm. Để hạn chế tình trạng này, Bộ CA đã rất quan tâm, quyết liệt xử lý các cán bộ vi phạm thông qua điều tra xác minh của công an các địa phương dưới sự chỉ đạo của giám đốc công an các tỉnh. Qua kiểm tra, những tháng đầu năm 2012, tình hình này đã được ngăn chặn đáng kể.
Ở một góc độ khác, Thượng tá Phạm Đình Khiêm, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Trị cho rằng, sở dĩ TNGT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2011 giảm hơn so với những năm trước trên cả 3 mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương) là do lực lượng CSGT đã làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT. Và điều này cũng đồng nghĩa là, nếu thực hiện được đồng bộ các biện pháp từ tuyên truyền, bảo đảm mặt đường thông thoáng, xử lý nghiêm các vi phạm thì ít nhiều, TNGT sẽ được kiềm chế. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với những nhìn nhận này, song rõ ràng đây không phải là việc một sớm một chiều có thể làm được.