“Cái khó bó cái khôn”
Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 04/04/2012
Làng nghề cây cảnh lớn nhất Thủ đô
Mới đây về làng Cơ Giáo, một trong những làng cây cảnh nổi tiếng nhất xã Hồng Vân và cũng là của Hà Nội, chúng tôi được chứng kiến vẻ đẹp, giá trị của những khu vườn. Bên cạnh những ngôi nhà sàn bằng gỗ là những ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự Pháp mọc lên giữa những khu vườn cây cảnh rộng hàng nghìn mét vuông. Nhờ những người năng động đi tiên phong như anh Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Giang… mà Hồng Vân từ một xã khó khăn về kinh tế, chủ yếu thu nhập chính trông chờ vào hạt thóc củ khoai nhưng nay đã có hơn 200 nhà vườn cây cảnh có giá trị về kinh tế, trong đó trên 50% do thanh niên làm chủ, giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động trẻ. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, làng cây cảnh Cơ Giáo là một trong những làng nghề có quy mô lớn nhất Thủ đô. Hiện nay, ở đây có khoảng 40ha đất chuyên trồng cây cảnh gồm đủ các loại như sanh, si, duối, tùng la hán, đa, sung, lộc vừng... phục vụ thị hiếu người chơi cây cảnh trong cả nước. Với sự đầu tư bài bản và có nghề của nhiều chủ vườn, mỗi cây cảnh được uốn tỉa như một tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn.
Làng cây cảnh ở Thường Tín đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Đăng cho biết: Ở Hồng Vân hình thành rõ 2 nhóm phát triển cây cảnh, nhóm 1 - gồm những người nông dân, chuyên làm phôi, trồng các loại cây nhỏ với giá trị từ 1 triệu đồng đến 15 triệu đồng; chỉ cần có mảnh vườn khoảng 3 sào Bắc bộ là mỗi năm có thể kiếm từ 200-300 triệu đồng rất dễ dàng. Năm thứ nhất mua cây giống chỉ vài chục nghìn đồng, sau hai năm chăm sóc, cắt uốn cho đẹp là bán được từ 200.000-350.000 đồng/cây. Nhóm thứ hai - là những đại gia, chuyên đầu tư lớn, mua bán, chăm sóc các loại cây cảnh giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có cây trị giá tới cả tỷ đồng. Hầu hết vườn cây của nhóm đại gia này đều có mức đầu tư rất lớn, đây cũng là những người tiên phong trong phong trào dồn điền đổi thửa, đưa Hồng Vân từ một xã thuần nông thành một vùng cây cảnh trù phú. Toàn xã có 6 thôn thì có 4 thôn phát triển nghề cây cảnh với 400/1.200 hộ tham gia, các hộ dân chuyển đổi trồng cây cảnh cho thu nhập tăng gấp 10 đến 20 lần so với trồng lúa.
Ấy vậy mà hiện nay làng cây cảnh ở đây đang… lao dốc.
Gỡ khó cách nào?
Anh Nguyễn Văn Hiệp, một trong những chủ vườn cây cảnh lớn ở Cơ Giáo cho rằng, để làng cây cảnh phát triển, chủ vườn phải huy động một nguồn vốn lớn. Thế nhưng, việc cho vay đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là người làm cây cảnh ở địa phương còn nhiều bất cập, một vườn cây cảnh giá tới cả triệu "đô", lại không có cơ sở để định giá. Do đó các chủ vườn không thể vay vốn của các tổ chức tín dụng hoặc của ngân hàng. Anh Hiệp cho biết: Lúc hưng thịnh, để phát triển cây cảnh, hầu hết các đại gia có "máu mặt" ở đây đều vay "nóng" tiền của dân trong làng, xã đầu tư mở rộng sản xuất, nay thị trường cây cảnh "đóng băng" ế ẩm, khiến không ít đại gia lao dốc không phanh. Các siêu cây cảnh có lúc từng được định giá tới cả trăm tỷ đồng, nay không sang nhượng được vài tỷ đồng để trả lãi.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Đăng, trăn trở: Tốc độ bán cây cảnh ở Hồng Vân giờ chậm lắm, trước đây hằng ngày mỗi chủ vườn tiếp hàng chục lượt khách, nay chỉ lác đác một, hai khách. Trong khi khách hỏi mua các loại cây bình dân giá từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng là chính, vì thế sản phẩm của nhóm này lại thiếu. Không như nhiều loại hàng hóa khác, ngược đời là lúc siêu cây cảnh càng đắt càng dễ bán, khi rẻ lại rất khó bán. Giờ đây nhiều người trong giới cây cảnh ở Hồng Vân đang trải qua những ngày khó khăn nhất trong gần 20 năm làm nghề. Nhiều chủ vườn ở các địa phương khác đang đầu tư dở dang gặp thị trường lao dốc, tiền tỷ tiêu tan, sức ép trả nợ từ các khoản tiền vay nóng hết sức căng thẳng… Trước những khó khăn của làng cây cảnh, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho rằng, chính quyền các cấp cần quan tâm thiết thực hơn nữa về cơ chế vốn cho làng nghề cây cảnh. Hiện nay đối với khu vực siêu cây cảnh rất khó có thể sôi động lại trong thời gian ngắn, nhưng đối với hàng trăm hộ sống từ nghề trồng cây cảnh cần được quan tâm, định hướng để họ yên tâm giữ nghề. Mặt khác, xã Hồng Vân vẫn khẳng định đây là những khó khăn tạm thời, cần phát triển cây cảnh đa dạng về chủng loại, giá trị, tránh rủi ro.