Hoạt động kinh tế quý I-2012: “Gồng mình” vượt khó

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 04/04/2012

HNM) - Nội dung cuộc họp báo về hoạt động công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương quý I ngày 3-4 đã cho thấy tình hình kinh tế chưa thể hy vọng có sự bứt phá ngay trong những tháng tiếp theo của năm 2012...

Sản xuất công nghiệp giảm sút

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4% so với cùng kỳ năm 2011 và là mức tăng rất thấp, thể hiện nền kinh tế đang suy giảm đáng kể. Thực tế này cũng minh chứng cho nhận định của các cơ quan quản lý là những khó khăn, bất lợi xuất hiện từ năm ngoái sẽ còn đeo đẳng và tiếp tục cản trở mục tiêu tăng trưởng năm nay, thậm chí còn nặng nề hơn. 

Sản xuất sắt, thép có chỉ số tồn kho tăng trong quý I. Ảnh: Huy Hùng


Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất đều gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,2% so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số tồn kho trung bình tại thời điểm đầu tháng 3-2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cho biết, nhìn chung, sản phẩm công nghiệp đang trong tình trạng khó tiêu thụ hơn so với thời gian trước do mức cầu giảm và giá thành chưa được điều chỉnh một cách hợp lý chủ yếu bắt nguồn từ việc giá của nguyên liệu đầu vào vẫn tăng hoặc đứng ở mức cao, gây khó khăn cho DN. Nhiều DN sau hơn một năm liên tiếp chống đỡ với hàng loạt khó khăn phải rút lui khỏi thị trường thông qua hình thức giải thể, tạm dừng hoạt động, tạm dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Thống kê sơ bộ cho biết, trong quý I có 2.200 DN đăng ký giải thể cùng hơn 9.700 DN ngừng hoạt động có thời hạn và các con số trên cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tăng khá, nhưng chưa hết lo

Trong bối cảnh DN khó tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa thì kết quả xuất khẩu đạt mức khá cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt gần 9 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,5 tỷ USD, tăng 43,1%. Tuy nhiên, cần phân tích và lưu ý về hai vấn đề đáng quan tâm là: mức tham gia vào xuất khẩu của khối DN trong nước đang chững lại, chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu, bộc lộ sự hạn chế về năng lực sản xuất cũng như khả năng mở rộng xuất khẩu. Tiếp theo là, kim ngạch xuất khẩu quý I tăng cao chủ yếu do đơn giá xuất khẩu bình quân của một số mặt hàng tăng mạnh trên thị trường thế giới. Cũng nhờ xuất khẩu tăng cao nên nhập siêu được kiểm soát tốt, với mức 251 triệu USD - là mức nhập siêu thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Song, cũng có chuyên gia cảnh báo rằng, không nên quá mừng khi mức nhập siêu giảm mạnh bởi đó có thể là biểu hiện phản ánh thực tế giảm sút trong hoạt động sản xuất của cộng đồng DN thông qua sự giảm mức tiêu thụ đối với hầu hết các loại nguyên, vật liệu nhập khẩu.

Mặt khác, cũng rất khó dự báo về diễn biến cung - cầu của các loại hàng xuất khẩu của ta trên thị trường quốc tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và các đối tác nhập khẩu truyền thống nói riêng. Hơn thế, thực tiễn trong xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như gạo, cà phê đang diễn ra không thuận lợi như thời gian trước, với giá trị thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có sự điều chỉnh, với mức độ dự báo chính xác hơn về thời điểm tăng giá đối với hai mặt hàng này để DN ta chớp thời cơ xuất hàng kịp thời nhằm thu được giá trị cao hơn.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các DN chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm các loại chi phí không cần thiết cũng như tăng cường hiệu quả công tác quản lý, sử dụng hợp lý nguồn lực để tăng tốc độ chuyển đổi công nghệ, tăng sức cạnh tranh, đồng thời phục vụ mục tiêu tái cơ cấu DN. Bộ Công thương cũng yêu cầu ngành, DN điện thực hiện những giải pháp như nâng cao chất lượng mạng lưới truyền tải, chuẩn bị nước tại các hồ chứa thủy điện, bảo đảm nhu cầu và chất lượng điện cung cấp cho sản xuất trong mùa hè sắp tới. Bên cạnh đó tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn nạn buôn lậu và hàng giả để bảo vệ DN chân chính và cân đối quan hệ cung - cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu...

Các chuyên gia nhận định, hoạt động công, thương trong thời gian tới sẽ chưa thể hồi phục nhanh như mong muốn bởi phần lớn yếu tố khó khăn, bất lợi đối với DN đang còn tiếp tục gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Hồng Sơn