Sao cho công khai, minh bạch
Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 04/04/2012
Lợi dụng lòng tin
Nói về việc quản lý tiền công đức, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL cho hay: "Hiện nay, mô hình quản lý di tích chưa thống nhất, nơi thì do cơ quan nhà nước quản lý (UBND, ngành VH,TT&DL các cấp), nơi thì do nhân dân (hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, ủy ban mặt trận Tổ quốc), nơi thì do cá nhân (sư trụ trì, thủ từ) quản lý khiến tiền công đức ở mỗi di tích cũng được quản lý theo cách rất khác nhau.
Du khách tới ghi nhận công đức tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Ngọc Thắng |
Chẳng hạn như ở chùa Keo (Thái Bình), BQL di tích do phòng văn hóa huyện lập ra. BQL này có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý tiền công đức, ghi rõ số tiền các tổ chức, cá nhân công đức vào mẫu giấy công đức thống nhất, có số series… Toàn bộ tiền công đức thu được chuyển về kho bạc huyện dùng để tu bổ, tôn tạo, bảo vệ di tích. Tưởng chừng như thế là đã minh bạch nhưng chùa Keo đã "lách luật" kiếm thêm nguồn thu bằng cách phát hành song song một loại giấy ghi công đức khác với giấy công đức của BQL. Còn ở Nghệ An, tỉnh đầu tiên ban hành quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức, việc quản lý nguồn thu này vẫn rối như canh hẹ. Theo quy định của tỉnh, 65% nguồn công đức bằng tiền mặt, 100% hiện vật, sức lao động được dùng để tu sửa, tôn tạo di tích; 35% nguồn tiền mặt còn lại chi cho lễ nghi, khánh tiết, điện nước, tổ chức lễ hội (LH)… Nhưng chính từ quy định "rắn" này mà nhiều địa phương ở Nghệ An đã khoán mức tiền thu công đức. Đơn cử xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên - nơi có đền thờ ông Hoàng Mười, mấy năm trước mức khoán đối với đền là 600 triệu đồng/năm và hiện nay là 900 triệu đồng/năm. Có thể, mức khoán này chỉ chiếm một phần nhỏ số thực thu, nhưng rõ ràng, khoán thu tiền công đức đã làm sai lệch bản chất của hành động công đức.
Thiếu minh bạch còn thể hiện ở việc rất hiếm cơ sở thờ tự công khai số tiền thu được sau mỗi kỳ LH. Ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL), thừa nhận: "Tiền công đức biết là có, thậm chí là rất nhiều, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì không thể biết. Chúng tôi hỏi thầy Thích Minh Hiền (chùa Hương, Hà Nội) thì thầy nói không biết. Còn tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), dù Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã viên tịch cuối năm 2011, nhưng mùa LH năm 2012, người dân đi lễ phản ánh, họ vẫn nhận tờ giấy ghi công đức có chữ ký và tên của hòa thượng. Thanh tra Bộ phải yêu cầu Sở VH,TT&DL Ninh Bình xuống kiểm tra thì tình trạng này mới chấm dứt".
Biết rõ thực trạng này nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không thể đề xuất một phương án thỏa đáng đối với việc quản lý tiền công đức.
Sẽ được quản lý?
Do chưa minh bạch thu, chi, chưa có quy chế quản lý tiền công đức nên không ai biết chính xác tổng số tiền công đức thu được mỗi năm từ các di tích là bao nhiêu, được dùng vào việc gì, còn hay hết. Chỉ biết rằng, theo một vài đơn vị công khai thu, chi công đức báo cáo lên thì số tiền công đức thu được ở mỗi di tích, ít cũng là vài chục triệu, nhiều thì lên tới hàng trăm triệu, thậm chí là hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Có thể nói, mỗi năm số tiền công đức thu được ở hơn 4 vạn di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 8.000 di tích cấp tỉnh và quốc gia, là không nhỏ.
Không phải đến bây giờ mới có "tiền công đức", mà như ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Việt Nam cho biết thì công đức là một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Người dân công đức để tích phúc, tích đức là chính, có cầu xin những điều may mắn nhưng đó không phải mục đích duy nhất. "Câu chuyện" tiền công đức nở rộ từ những năm 90 của thế kỷ trước và nó là điều không có gì đáng lên án nếu như khoản thu này được công khai, minh bạch và không bị gán nhãn "VHNT có khía cạnh thương mại".
Từ sự phân tích này, ông Lương Hồng Quang cho rằng, để sử dụng có hiệu quả nguồn tiền công đức, các cơ quan hữu quan phải tuyên truyền cho người làm công đức hiểu rằng, việc làm này cốt ở sự thành tâm không phải là số lượng nhiều; là tích phúc, tích đức, làm việc thiện chứ không phải là cơ hội cầu xin, mua bán, mặc cả với thánh thần. Người làm công đức có quyền được biết tiền công đức được sử dụng như thế nào, để họ thấy tiền mình bỏ ra đúng mục đích, không bị lạm dụng. Nếu việc quản lý, sử dụng nguồn tiền này được minh bạch và công khai thì sẽ khuyến khích người dân làm công đức.
Để đạt được điều này, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Viện VHNT Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng "Đề án quản lý tiền công đức trong các di tích, đền, chùa, nơi thờ tự", trong đó nguyên tắc là tiền công đức sẽ quay lại phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức LH. Hy vọng, tiền công đức sẽ sớm không còn là "vấn đề" phải rút kinh nghiệm sau mỗi mùa LH.