Không thể “lập lờ” để gây nhiễu thông tin
Văn hóa - Ngày đăng : 06:46, 04/04/2012
LTS - Những ngày qua, có nhiều ý kiến được trích dẫn trên các phương tiện truyền thông, cả trang mạng và báo in về bức tượng Thánh Gióng tại Sóc Sơn bị dỡ bỏ từ giữa tháng 1-2012. Có ý kiến cho rằng đó là bản gốc tượng đài Thánh Gióng, ngoài ý nghĩa về mặt nghệ thuật thì còn mang đậm nét văn hóa tâm linh. Và hành vi dỡ bỏ mẫu tượng nói trên mà không được phép của tác giả Nguyễn Kim Xuân đã xâm hại đến quyền tác giả, vi phạm các quy định hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ. Hôm qua, PV Hànộimới đã lấy ý kiến các nhà quản lý văn hóa, mỹ thuật về vấn đề nói trên.
Tượng Thánh Gióng bằng đồng dựng trên núi Đá Chồng. Ảnh: Thanh Tùng
- Ông Lưu Danh Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam:
Xây dựng tượng đài bắt buộc phải tuân theo 3 bước: Bước 1 là xây dựng phác thảo, bước 2 thể hiện bằng mẫu đất, thạch cao, bước 3 là đúc tượng đài và lắp đặt. Điều này đã được thể hiện rõ trong Quy chế quản lý, xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng của Bộ VH,TT&DL.
Bức tượng Thánh Gióng bằng thạch cao đã bị phá dỡ là mẫu trung gian, không phải bản gốc. Khi hoàn chỉnh tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, đặt trên đỉnh núi Đá Chồng thì vai trò của bức tượng trung gian đã hết, đơn vị mua tác phẩm tượng đài Thánh Gióng là TP Hà Nội không có trách nhiệm quản lý bức tượng bằng thạch cao này nữa, mà họ chỉ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ bức tượng bằng đồng. Tác giả Nguyễn Kim Xuân có giữ mẫu tượng thạch cao thì đó là việc của tác giả chứ không phải việc của các cơ quan chức năng.
Tôi thấy bất ngờ khi đọc thông tin trên các trang báo. Tôi có đặt câu hỏi ngược lại với tác giả Nguyễn Kim Xuân, tác giả cho biết bức tượng thạch cao thu hút khá nhiều người dân đến lễ, cho thấy bức tượng này… khá thiêng! Về điều này, tôi cho rằng người dân đến đó lễ Thánh Gióng vì tượng đồng chưa xong. Bằng chứng là khi tượng đồng xong rồi, đặt lên đỉnh núi rồi thì còn mấy người đến lễ trước tượng thạch cao nữa? Trong tâm thức của họ, tượng đài Tháng Gióng chỉ có bức duy nhất là bức tượng đồng trên đỉnh núi Đá Chồng mà thôi.
Nếu mẫu tượng đài Thánh Gióng bằng thạch cao của tác giả Nguyễn Kim Xuân sẽ được dùng để đúc tiếp 3 tượng đài Thánh Gióng bằng đồng đặt ở TP Móng Cái, TP Huế và mũi Cà Mau là có thật thì tác giả của ý tưởng đó đã phạm luật. Bởi mẫu tượng đài Thánh Gióng đã được TP Hà Nội mua bản quyền, mà bản quyền đối với tác phẩm nghệ thuật thì chỉ có một; nếu muốn trưng bày hoặc "nhân bản" tác phẩm này thì phải được sự đồng ý từ phía có bản quyền hợp pháp.
Nói cho kỹ hơn thì mẫu tượng đài Thánh Gióng không thể so sánh với mẫu tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ của tác giả Nguyễn Hải, đã được dựng trên đồi A1 Điện Biên vì bản gốc của tượng đài Chiến thắng đang nằm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, do Bảo tàng mua lại của tác giả từ trước khi dựng tượng đài nên bản quyền của tượng đài ấy thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Khi làm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta phải lấy bản gốc này để thực hiện việc phóng to. Khi phóng to, có một số chi tiết phải chỉnh sửa, người ta đã xin ý kiến anh Nguyễn Hải về sự chỉnh sửa này. Do đã bán bản quyền từ trước đó nên anh Nguyễn Hải chỉ được nhận 30% số tiền bản quyền, còn với tượng đài Thánh Gióng, tác giả Kim Xuân đã nhận 100% tiền bản quyền.
- Ông Nguyễn Phú Cường - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL):
Chuyện lùm xùm xung quanh việc dỡ bức tượng Thánh Gióng bằng thạch cao cho thấy nhiều người hiểu vấn đề không đúng, hoặc giả cố tình dùng cách "lập lờ", gây hiểu lầm cho công chúng, gây nhiễu thông tin, rối dư luận.
Theo Quy chế 05 về Quản lý, xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng, mỗi bước xây dựng tượng đài đều phải được hội đồng khoa học nghiệm thu thì mới được chuyển sang giai đoạn sau. Như mẫu tượng bằng đất sét, sau khi được hội đồng khoa học nghiệm thu thì đơn vị thi công mới được dùng bản đất sét này để đúc ra bản thạch cao, khi đúc bản thạch cao thì phải phá bản đất sét. Tương tự, khi chuyển từ mẫu thạch cao sang chất liệu khác thì mẫu thạch cao cũng sẽ bị phá hủy, chỉ một số ít trường hợp giữ lại được mẫu. Trong mỗi bước xây dựng tượng đài, chủ đầu tư phải trả cho tác giả mẫu tượng khoản tiền bản quyền, mức thù lao như đã thỏa thuận - tượng đài Thánh Gióng không phải ngoại lệ.
Mặt khác, Quy chế 05 cũng không có nội dung nào quy định quá trình đúc tượng phải giữ lại nguyên mẫu trung gian, nên việc mẫu tượng đài Thánh Gióng bằng thạch cao còn hay mất, nguyên trạng hay bị phá vỡ thì tác giả cũng không có quyền lên án. Còn theo Luật Bản quyền, tác giả có mẫu tượng có quyền được đứng tên tác giả, quyền thừa kế, quyền được hưởng thù lao, nhuận bút và quyền được hưởng lãi nếu như tượng đài đó được dùng vào mục đích kinh doanh. Ở đây, các quyền này đã được chủ đầu tư thực hiện đầy đủ.
- Ông Tạ Quang Bạo - Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Mỹ thuật quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng xây dựng tượng đài Thánh Gióng: |