Hà Nội chọn ngành điện tử - CNTT là ngành công nghiệp chủ lực
Chính trị - Ngày đăng : 14:56, 03/04/2012
Theo nội dung tờ trình, mục tiêu chung của Quy hoạch là xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, phát triển công nghiệp gắn với khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới và văn phòng của các tập đoàn sản xuất lớn, tạo nên các sản phẩm chất lượng và giá trị cao có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân 12,13% /năm; giai đoạn 2016 – 2020 đạt 11,32% và giai đoạn 2021 – 2030 đạt 10,20%; GDP công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 41-42% (trong đó công nghiệp chiếm 31-32%) vào năm 2015 và giữ ổn định 41-42% vào năm 2020 trong tổng giá trị GDP của thành phố.
Về định hướng phát triển một số ngành công nghiệp, cụ thể với ngành điện tử - công nghệ thông tin, Hà Nội phấn đấu xây dựng ngành này trở thành ngành công nghiệp chủ lực để tạo cơ sở cho các ngành khác phát triển; Phấn đấu trở thành trung tâm của cả nước về thiết kế sản phẩm, sản xuất phần mềm, sản xuất linh kiện, thiết bị và các dịch vụ điện tử - tin học; Tiếp tục phát triển phương thức lắp ráp các thiết bị điện tử, tin học, tiếp nhận công nghệ và đáp ứng nhu cầu sản phẩm điện tử trong nước và tham gia xuất khẩu; Nâng cao chất lượng, mở rộng thị phần các thiết bị điện, điện tử, dây dẫn và vật liệu cho ngành điện; Khuyến khích sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội. Phát triển các sản phẩm phần mềm tin học phục vụ cho các ngành công nghiệp và tham gia thị trường xuất khẩu.
Mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 12,63%; giai đoạn 2016 – 2020 đạt 13,45%; giai đoạn 2021 – 2030 đạt 12,18%. Đến năm 2015, cơ cấu ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng 10,86% của toàn ngành công nghiệp; năm 2020 chiếm tỷ trọng 11,85%; năm 2030 chiếm tỷ trọng 15,53%.
Với ngành cơ khí, mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 12,50%; giai đoạn 2016 – 2020 đạt 13,63%; giai đoạn 2021 – 2030 đạt 10,60%. Đến năm 2015, cơ cấu chiếm tỷ trọng 44,55% của toàn ngành công nghiệp; năm 2020 chiếm tỷ trọng 49,22%; năm 2030 chiếm tỷ trọng 52,00%.
Thành phố ưu tiên phát triển sản xuất các loại động cơ nhỏ, các sản phẩm điện cơ, cơ khí chính xác, dụng cụ học tập, dụng cụ thí nghiệm, các chi tiết máy hiện đại, các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, máy móc, thiết bị văn phòng; Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo khuôn mẫu; Phát triển cơ khí chế tạo thiết bị đồng bộ, các thiết bị điện, cơ điện tử, tự động hoá phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng đáp ứng phần lớn yêu cầu của thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường thế giới và khu vực; Chú trọng phát triển khâu nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới theo hướng gắn kết, hợp tác chặt chẽ với các viện, trường với doanh nghiệp; gắn các chương trình nghiên cứu quốc gia với phát triển các sản phẩm trọng điểm; Từng bước hình thành hệ thống công nghiệp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành...
Với ngành dệt may, da giày: Hướng vào 3 nhóm sản phẩm chính là giày thể thao, giày dép da và túi cặp; Tập trung đầu tư máy móc trang thiết bị chuyên dùng, công nghệ hiện đại, coi trọng thiết kế mẫu mã để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, cạnh tranh được cả trong nước và thế giới, tiến tới thay thế hàng nhập khẩu... Mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 6,88%; giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng đạt 7,68%; giai đoạn 2021 – 2030 tăng trưởng đạt 4,75%. Đến năm 2015, cơ cấu ngành chiếm tỷ trọng 5,90% của ngành công nghiệp; năm 2020 chiếm tỷ trọng 4,34%; năm 2030 chiếm tỷ trọng 1,99%.
Về định hướng phát triển nghề, làng nghề, Thành phố xác định, phát triển các làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo tồn, khôi phục bản sắc văn hoá dân tộc; xuất phát từ tiềm năng và nhu cầu của xã hội nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị văn hoá nghệ thuật, mỹ thuật và tính thương mại cao nhưng vẫn mang các giá trị truyền thống đặc trưng của các làng nghề; chú trọng kết hợp truyền thống với việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến vào các công đoạn sản xuất, đảm bảo cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng sống khu vực dân cư tại địa phương có làng nghề.
Về định hướng phát triển không gian công nghiệp, Thành phố tập trung phát triển công nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm, các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp tập trung (tổng diện tích khoảng 8000ha); di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung.
Cụ thể, phía Bắc bao gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Từ Liêm khoảng 3.200ha: Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hoá dược - mỹ phẩm, dệt may..
Phía Nam thuộc Thường Tín, Phú Xuyên khoảng 1.500ha: ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), chế biến nông sản công nghệ hiện đại với nguyên liệu đầu vào từ vùng phát triển nông nghiệp thuộc các tỉnh phía nam Hà Nội; phát triển công nghiệp hỗ trợ (dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô)...
Phía Tây là Hoà Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn khoảng 1.800ha: ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, hoá dược - mỹ phẩm, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ năng lượng mới, vật liệu xây dựng, nội thất cao cấp...
Các thị trấn khoảng 1.400 – 1.500ha được ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao....
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2020 là 238.757 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011-2015 là 125.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là 113.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp Hà Nội, vốn ngân sách đầu tư của Nhà nước chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Để đảm bảo thực hiện quy hoạch, Thành phố rất chú trọng tới các giải pháp về công nghệ, tổ chức và quản lý, và đổi mới sắp xếp lại các doanh nghiệp. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức lại bộ máy quản lý điều hành sản xuất cho phù hợp với cơ chế thị trường, trong đó chú trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và nghiên cứu phát triển (R&D) trong các doanh nghiệp công nghiệp. Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động chuyển nhượng quyền thương mại đi kèm chuyển giao công nghệ, nghiên cứu xây dựng đề án thành lập vườn ươm doanh nghiệp công nghiệp, đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ...