HĐND TP Hà Nội xem xét 5 quy hoạch chuyên ngành tại kỳ họp này

Chính trị - Ngày đăng : 08:36, 03/04/2012

(HNMO) – Sáng nay, 3/4, kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIV đã khai mạc. Tới dự có Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cho biết...


Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, trên cơ sở quy hoạch chung của Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kỳ họp này của HĐND Thành phố tập trung vào việc thảo luận và thông qua 5 quy hoạch ngành, lĩnh vực của Hà Nội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Hà Nội phát triển trong những năm tới. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong năm nay.

Trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu nghe UBND Thành phố trình Quy hoạch phát triển tổng thể nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn Hà Nội; Quy hoạch phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ảnh Internet chỉ mang tính minh họa.


Đến 2020: Giảm sỹ số HS tiểu học còn 30 HS/lớp

Trong tờ trình về Quy hoạch phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND Thành phố đặt mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế về việc thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước. Đồng thời, đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp học trên đia bàn Thủ đô Hà Nội đảm bảo cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa và đáp ứng nhu cầu học tập ở các cấp học, bậc học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố; Xác định và bố trí quỹ đất dành cho hệ thống trường học theo cơ cấu và loại hình đào tạo.

Chỉ tiêu cụ thể cho mỗi cấp học như sau: Ở bậc giáo dục Mầm non: Đến năm 2015 tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học: nhà trẻ đạt ít nhất 35%, trẻ mẫu giáo 90%, 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo. Năm 2020 tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học nhà trẻ trên 60%; trẻ mẫu giáo 95%; giữ vững tỷ lệ 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo. Giảm tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng xuống 7%; Đến năm 2015 có 100% trường mầm non thực hiện chương trình đổi mới GD MN, 80% sở cơ sở GD MN ứng dụng tin học trong quản lý và giáo dục trẻ. Năm 2020, trẻ đạt tỷ lệ chuẩn phát triển 90% trở lên. Giảm tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng xuống 3%; Tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 đạt 50%-55%, trên 60% vào năm 2020.

Ở bậc giáo dục Tiểu học: Duy trì và giữ vững thành quả phổ cập giáo dục. Tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi tiểu học (6-10 tuổi) đạt 100%; Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 90% vào năm 2020, 70% trường tiểu học công lập đạt chuẩn quốc gia; Giảm sĩ số từ 35 HS/lớp vào năm 2010 xuống 30 HS/lớp vào năm 2020.

Ở bậc giáo dục THCS: Tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi THCS (11-14 tuổi) đạt 100%. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 50% vào năm 2020; 60% trường THCS công lập đạt chuẩn quốc gia. Giảm sĩ số từ 36 HS/lớp năm 2010 xuống 30 HS/ lớp vào năm 2020.

Ở bậc giáo dục THPT: Tỷ lệ huy động thanh thiếu niên đi học đúng độ tuổi THPT (15-17 tuổi) 90% năm 2015 trên 95% vào năm 2020; 60% trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia; Giảm sĩ số từ 45 HS/lớp năm 2010 xuống 40 HS/lớp vào năm 2020; Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia: trên 60%.

Về giáo dục chuyên nghiệp: Nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 80% vào năm 2020. Thu hút được ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN.

Về giáo dục thường xuyên: Huy động trên 95% trẻ khuyết tật đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt. Huy động 99,9% số người mù chữ trong độ tuổi 15-35 ra học lớp XMC. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng hoạt động tốt; Thu hút 99,5% học sinh tốt nghiệp THCS chưa vào THPT vào học chương trình GDTX.

Tờ trình cũng đặt ra chỉ tiêu chuẩn hóa đội ngũ GV, CBQLGD, đảm bảo 100% giáo viên và CBQLGD đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng, 100% CBQLGD đạt chuẩn về lý luận chính trị, trình độ đào tạo trên chuẩn. Đến năm 2015, có 100 -150 giáo viên THPT các môn học khoa học tự nhiên có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.

Theo tính toán, nhu cầu quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội đến năm 2030 cần xây mới 1.215 trường học với 12.165.854 m2 đất, kinh phí 71.395 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2012 - 2020: Xây mới 635 trường (Công lập 439 trường, ngoài công lập 196 trường), trong đó: Mầm non 402 trường (công lập 300 trường, ngoài công lập 102 trường); Tiểu học 114 trường (công lập 74 trường, ngoài công lập 40 trường); THCS 50 trường (công lập 35 trường, ngoài công lập 15 trường); THPT 50 trường (công lập 20 trường, ngoài công lập 30 trường); 2 Trung tâm GDTX cấp Thành phố; TCCN 14 trường (công lập 5 trường, ngoài công lập 9 trường). Giai đoạn 2021 - 2030: Xây mới 580 trường học (công lập 331 trường, ngoài công lập 249 trường) trong đó: Mầm non 322 trường (công lập 200 trường, ngoài công lập 122 trường); Tiểu học 120 trường (công lập 70 trường, ngoài công lập 50 trường); THCS 58 trường (công lập 35 trường, ngoài công lập 23 trường); THPT 62 trường (công lập 20 trường, ngoài công lập 42 trường); 1 Trung tâm GDTX cấp Thành phố; TCCN 15 trường (công lập 3 trường, ngoài công lập 12 trường).

Để có quỹ đất xây dựng trường học đảm bảo thực hiện quy hoạch, Thành phố đề xuất sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng. Tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác. Đồng thời, mở rộng diện tích đất và nâng thêm tầng các trường học hiện có trong khu vực nội thành, bố trí học sinh học các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ sở sản xuất, các trường cao đẳng, đại học, trụ sở các Bộ, ngành trong khu vực nội thành ra ngoại thành. Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa để giảm tải tăng dân số cơ học. Ưu tiên dành quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở đông dân cư để xây dựng trường học.

Từ nay đến 2015: Hà Nội sẽ khởi công xây mới 10 Bệnh viện

Về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế, mục tiêu của Hà Nội là phát triển đồng bộ hệ thống y tế chuyên sâu và phổ cập trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân Thủ đô; Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng tầm cỡ quốc tế, quốc gia tại 5 cửa ngõ của Thủ đô; Xây dựng đội ngũ nhân lực y tế Thủ đô Hà Nội đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực, trình độ về quản lý, có chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Mục tiêu trên đã được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu sau: Tăng tuổi thọ trung bình lên 79 tuổi vào năm 2020, 81 tuổi vào năm 2030; Phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ mức 12,28‰ của năm 2010 xuống còn 11,5‰ vào năm 2015, 11‰ vào năm 2020 và 9,0 ‰ vào năm 2030; Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi từ 12,6‰ năm 2010 giảm xuống khoảng 10,0‰, năm 2015, dưới 8,0‰ vào năm 2020 và dưới 6‰ vào năm 2030; Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi từ 14,5‰ năm 2010 giảm xuống <12,0‰ vào năm 2015, dưới 10,0‰ vào năm 2020 và dưới 8,0 ‰ vào năm 2030; Khống chế tỷ lệ HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 30% vào năm 2020, giảm dần số người nhiễm mới trong cộng đồng; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ 11,9% năm 2010 giảm xuống dưới 10,0% năm 2015; dưới 8,0% vào năm 2020, dưới 7,0% vào năm 2030; Tỷ lệ tử vong mẹ từ 14/100.000 trẻ đẻ sống năm 2010, giảm xuống dưới 12/100.000 trẻ đẻ sống năm 2015, giảm xuống còn dưới 10/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020, và dưới 8/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2030.

Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ bác sỹ lên 12,5/10.000dân, dược sỹ đạt 2/10.000 dân; Đến năm 2020, tỷ lệ bác sỹ đạt 13,5 /10.000 dân; dược sỹ đạt 2,5/10.000 dân; nhân viên điều dưỡng từ 3 - 4 nhân viên/bác sỹ. Phấn đấu tăng tỷ lệ giường bệnh lên 20 giường bệnh /10.000 dân vào năm 2015, 25 giường bệnh /10.000 dân vào năm 2020 và 30 giường bệnh /10.000 dân vào năm 2030.

Về Quy hoạch mạng lưới y tế, đối với hệ thống trạm y tế xã, phường, Thành phố tiếp tục kiện toàn tổ chức mạng lưới, củng cố và hoàn thiện các trạm y tế xã, phường cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Duy trì 100% xã, phường có trạm y tế; 100% trạm y tế có bộ phận chữa bệnh bằng Y học cổ truyền do thầy thuốc Y học cổ truyền của trạm phụ trách. Di chuyển các trạm y tế xã, phường có diện tích nhỏ, không riêng biệt... ra địa điểm khác. Tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, các xã, phường, thị trấn mới thành lập đầu tư xây dựng trạm y tế mới với quy chuẩn trung bình cứ 8.000 người dân sẽ có 1 trạm y tế, đạt chuẩn Quốc gia về y tế (theo chuẩn mới). Duy trì 100% xã, phường có trạm y tế; 100% trạm y tế có bộ phận chữa bệnh bằng Y học cổ truyền do thầy thuốc Y học cổ truyền của trạm phụ trách.

Đối với loại hình phòng khám đa khoa khu vực, Hà Nội sẽ phát triển thêm các phòng khám đa khoa tại các quận /huyện /thị xã. Chuyển chức năng đối với các phòng khám đa khoa quận, huyện hoạt động không hiệu quả và di chuyển phòng khám tới địa điểm phù hợp với sự phát triển và phân bố dân cư. Tại các đơn vị hành chính mới được thành lập, tùy theo quy mô dân cư sẽ xây dựng phòng khám đa khoa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Về Quy hoạch mạng lưới bệnh viện công lập thuộc Thành phố Hà Nội, phấn đấu xây dựng và phát triển hệ thống bệnh viện công lập Hà Nội với 60 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Thủ đô và những tỉnh lân cận và cả nước trong việc phát triển và ứng dụng kỹ thuật cao trong y tế.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh hiện có, Thành phố sẽ mở rộng diện tích (đối với bệnh viện ở ngoại thành nếu điều kiện quỹ đất cho phép và phù hợp với quy hoạch đô thị), tăng diện tích sử dụng để chống quá tải tại chỗ bằng cách xây dựng các công trình cao tầng, hợp khối thay thế các công trình tạm, công trình xuống cấp, bán kiên cố… đảm bảo diện tích sàn/giường bệnh theo quy định. Đồng thời, từng bước di chuyển các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm nặng ra khỏi khu vực nội thành, nơi đông đúc dân cư đến khu vực thích hợp.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng mới, Hà Nội xây dựng mạng lưới bệnh viện đa khoa quận huyện (tuyến 1) đạt tiêu chuẩn hạng III tại các khu/cụm dân cư quận, huyện và đô thị vệ tinh; các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa Thành phố (tuyến 2) đạt tiêu chuẩn hạng II trở lên; các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa Trung ương (tuyến 3) đạt tiêu chuẩn hạng I hoặc hạng đặc biệt.

Cụ thể, giai đoạn từ 2011-2015, Hà Nội sẽ khởi công và xây mới 10 Bệnh viện với tổng số giường bệnh là 3.850, tổng kinh phí 7.800 tỷ đồng với nhu cầu đất là 43,5ha trong đó: 1 bệnh viện đang thi công sẽ đưa vào hoạt động năm 2012 - Bệnh viện đa khoa Gia Lâm; 4 bệnh viện đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư - Bệnh viện 1.000 Mê Linh, đa khoa huyện Mê Linh, miền núi Ba Vì và Bệnh viện Nhi Hà Nội; 1 bệnh viện là công trình trọng điểm của thành phố - Bệnh viện đa khoa Xanhpôn cơ sở 2; 1 bệnh biện được xây mới để di chuyển các cơ sở Truyền nhiễm nặng ra ngoại đô - Bệnh viện Truyền nhiễm Hà Nội; 2 bệnh viện do quá tải nội đô và diện tích đất không đảm bảo - Bệnh viện Tim cơ sở 2 và Mắt Hà Nội).

Giai đoạn từ năm 2016-2020, Hà Nội sẽ khởi công và xây mới 15 Bệnh viện với tổng số giường bệnh là 5.000, tổng kinh phí 8.600 tỷ đồng với nhu cầu đất là 50,5ha.

Song song với đó, Hà Nội nâng cấp Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I với quy mô 250 giường bệnh; Xây mới Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông cơ sở 2 đạt với quy mô 300 giường bệnh trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Trung ương; Xây mới Bệnh viện y học cổ truyền trên địa bàn huyện Gia Lâm với quy mô 300 giường bệnh; Xây dựng thêm 9 trạm cấp cứu vệ tinh gắn với các trung tâm đô thị, nông thôn tại các khu vực: Mỹ Đình, khu đô thị mới Bắc Thăng Long, đô thị Hòa Lạc, khu vực Thường Tín hoặc Phú Xuyên, Đô thị Sơn Tây, khu vực Vân Đình, khu vực Xuân Mai, Phùng, Sóc Sơn, hướng tới xây dựng 3 bệnh viện cấp cứu tại các khu vực: Khu vực Sóc Sơn; Khu vực phía Tây tại đô thị Hòa Lạc; Khu vực phía Nam tại Phú Xuyên….

H.V