Bất cập ngay từ nhận thức

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:22, 03/04/2012

(HNM) - Nâng cao nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) trong cộng đồng dân cư là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện Chương trình cung cấp NS&VSMTNT Hà Nội giai đoạn 2011-2020.


Tuy nhiên, do công tác truyền thông về NS&VSMTNT chưa nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, chưa được tổ chức thường xuyên... khiến một bộ phận người dân các huyện ngoại thành chưa ý thức được tác dụng của nước sạch đối với sức khỏe con người.


Do nhận thức của người dân còn hạn chế nên nhiều trạm cấp nước sạch đã được xây dựng tại khu vực ngoại thành chưa phát huy được hiệu quả. Ảnh: Thu Hằng

Chưa mặn mà với... nước sạch

Hiện nay tại một số địa phương, dù đã được đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung nhưng trên thực tế, người dân lại chưa mặn mà với nước sạch. Nguyên nhân chính là do công tác truyền thông về NS&VSMTNT chưa được quan tâm. Thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) là một ví dụ. Bảo Lộc là thôn đông dân với gần 1.000 hộ, 6.000 nhân khẩu, có nghề thu mua, tái chế phế liệu, những năm gần đây, nguồn nước ngầm, nước mặt trên địa bàn thôn ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ, có trên 50% số mẫu nước sinh hoạt gia đình tại thôn Bảo Lộc có nồng độ asen cao gấp 3-4 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, xã Võng Xuyên đã lập dự án đầu tư công trình cấp nước sạch cho thôn Bảo Lộc với tổng mức đầu tư khoảng 11 tỷ đồng. Sau 3 năm xây dựng, cuối năm 2011, công trình đã hoàn thành và bàn giao cho HTX nông nghiệp Võng Xuyên quản lý, khai thác bán nước đến hộ dân.

Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Võng Xuyên Nguyễn Văn Dũng cho biết: Công trình cấp nước sạch thôn Bảo Lộc được đầu tư đồng bộ từ trạm xử lý đến hộ dân (100% số hộ đã được lắp đồng hồ đo nước). Tuy nhiên, sau 3 tháng chạy thử, nguồn nước cấp đến hộ dân bảo đảm sạch, HTX vẫn đang trong thời gian "khuyến mãi", chưa thu tiền sử dụng nước của dân, song đến nay mới có 30% tổng số hộ dân trong thôn sử dụng nước sạch với lượng nước sử dụng rất ít (khoảng từ 1 đến 2m3 nước/hộ/tháng).

Lý giải vì sao người dân chưa mặn mà với nước sạch, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay, do công tác giáo dục, truyền thông về NS&VSMTNT chưa được quan tâm nên đến nay phần lớn người dân chưa hiểu thế nào là nước sạch; chưa phân biệt được nước sạch và nguồn nước họ đang dùng. Nguyên nhân nữa là trước đây một số hộ dân Bảo Lộc đã xây dựng hệ thống bể lọc, bể chứa và đầu tư hàng chục triệu đồng khoan giếng, mua thiết bị lọc nước ngầm; nhiều hộ xây dựng bể nước mưa để sử dụng trong ăn uống hằng ngày, nay họ "tiếc" của nên chưa muốn cải tạo lại công trình để sử dụng nước sạch...

Tăng cường truyền thông về NS&VSMTNT

Khảo sát tại các huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy, không chỉ có thôn Bảo Lộc mà tại một số địa phương khác người dân cũng chưa mặn mà với nước sạch. Chính việc người dân chưa sử dụng nước sạch đã dẫn đến hoạt động của nhiều trạm cấp nước sạch rơi vào cảnh thua lỗ, có trạm phải ngừng hoạt động. Theo ông Nguyễn Đắc Tuyển, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT Hà Nội, công tác truyền thông về NS&VSMTNT trên địa bàn thời gian qua còn nhiều khoảng trống, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm đến công tác này, dẫn đến nhận thức của người dân về nước sạch rất hạn chế. Mỗi năm trung tâm tổ chức được 20 lớp truyền thông về NS&VSMTNT với sự tham gia của 4.000 người. Ngoài ra, trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 10 lớp tập huấn lồng ghép về lĩnh vực này cho nông dân. Tuy nhiên, tại các huyện, thị xã hằng năm hầu như chưa tổ chức được các hoạt động truyền thông chuyên đề về NS&VSMTNT.

Nhằm nâng cao nhận thức về NS&VSMTNT, thay đổi hành vi của cộng đồng về sử dụng nước sạch (giai đoạn 2011-2020), TP Hà Nội đã xác định phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về NS&VSMTNT cho người dân. Bên cạnh đó là việc tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi về sử dụng, bảo quản nguồn nước hợp vệ sinh; tổ chức thi tìm hiểu về NS&VSMTNT... Để công tác truyền thông thực sự đạt kết quả trong giai đoạn hiện nay rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp và việc đầu tư trang bị, thiết bị phục vụ công tác truyền thông.

Theo kết quả đánh giá về NS&VSMTNT cho thấy, đến cuối năm 2011, Hà Nội có 84% dân số khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 32% dân số sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Đỗ Hà