Góp phần làm giàu cho quê hương
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:04, 03/04/2012
Hằng ngày, Chí đi tìm mua cây về sửa sang lại rồi chở ra Hà Nội bán. Như con ong thợ cần mẫn, sau 5 năm rong ruổi mọi ngõ ngách Hà Nội, tích cóp được một số vốn, anh quyết định về quê kinh doanh cây cảnh. Lúc đầu là mua cây về sửa sang lại rồi bán, dần dần Chí tự trồng và tạo dáng cho cây. Nhạy bén nắm bắt được xu thế sở thích của người chơi cây, khéo léo, tinh tế, sáng tạo trong việc tạo dáng, thế cho cây, sản phẩm của anh làm ra nhanh chóng có được thương hiệu, đáp ứng thị hiếu khách hàng nên làm đến đâu bán hết tới đó. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá, Nguyễn Văn Chí trở thành một tấm gương làm kinh tế gia đình tiêu biểu của địa phương. Hiện anh là chủ 5 vườn cây, một ngôi nhà 4 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi…
Thành công với nghề cây cảnh nhờ nhiều yếu tố, trong đó do năng lực cá nhân rất lớn, song điều đáng quý ở Chí là sự sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện giúp nhiều người trong thôn theo nghề mới. Không chỉ nhận hàng chục lao động ở địa phương về làm việc với thu nhập ổn định, Chí còn giúp đỡ vốn, kinh nghiệm cho nhiều hộ nghèo, chỉ bảo tận tình cách trồng, tạo thế cây cảnh để họ có nghề ổn định cuộc sống. Nhờ sự giúp đỡ của Chí, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, một tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi của huyện Thường Tín nhiều năm liền, với khu nhà vườn rộng hàng nghìn mét vuông, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, với mức thu nhập trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Học tập và làm theo anh Chí, bây giờ, cả thôn Cơ Giáo đều trồng, kinh doanh cây cảnh và để phục vụ nghề trồng cây cảnh, ở Hồng Vân cũng hình thành một loạt nghề mới như nghề sản xuất bồn, chậu trồng cây, dịch vụ san lấp mặt bằng, thiết kế, lắp đặt vườn cây, dịch vụ vận chuyển, cắt tỉa, chăm sóc và phối đá nghệ thuật… tạo công việc ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận.