Khó cũng phải làm
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 03/04/2012
Chưa đủ quyết tâm hay chưa tròn trách nhiệm?
Hà Nội đã triển khai công tác kiểm soát TTHC từ năm 2011 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, còn khá nhiều điều phải bàn. Trước hết là tình trạng không thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động của văn bản có quy định về TTHC. Theo báo cáo của UBND TP, Sở Nội vụ ban hành hai văn bản về thi đua khen thưởng nằm trong nhóm phải thực hiện yêu cầu lấy ý kiến và đánh giá tác động, nhưng đã không thực hiện đúng yêu cầu này. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, không ít sở, ban, ngành, địa phương vẫn lúng túng trong việc đánh giá tác động của các quy định TTHC. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, đây là những hạn chế lớn trong công tác kiểm soát TTHC mà TP Hà Nội cần tập trung khắc phục.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh CCHC.Ảnh: Bá Hoạt
Năm 2011, TP Hà Nội đã công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của các sở, ban, ngành và các TTHC đang thực hiện tại cấp huyện, xã với tổng số là 1.588 thủ tục, giảm 228 TTHC so với năm 2009. Từ đầu năm đến nay, tổng số TTHC đã bổ sung thêm 8 thủ tục do những quy định mới của Chính phủ và các bộ, ngành TƯ. Một số TTHC đã đơn giản hóa nhằm cắt giảm chi phí như giảm thời gian giải quyết, giảm hồ sơ, giảm đầu mối thực hiện… đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân và xã hội. Nhưng còn rất nhiều TTHC chưa được tinh giản theo hướng như vậy. Trong khi đó, một số sở, ban, ngành chưa quan tâm thực hiện việc rà soát quy định, TTHC. Cá biệt có đơn vị TP phải có văn bản nhắc nhở, đôn đốc nhưng vẫn chậm thực hiện như các Sở NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường, GD-ĐT.
Đáng chú ý là dường như một số sở, ban, ngành vẫn chưa quyết tâm cải cách TTHC. Trước hết là việc công khai TTHC trên mạng internet vẫn còn chậm. Trong khi đó, việc liên thông TTHC để giảm bớt đầu mối cho công dân và DN vẫn chậm chuyển biến. Về việc này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn cho rằng, về nguyên tắc sở, ngành nào làm đầu mối sẽ có trách nhiệm xây dựng quy trình, cách thức liên thông một cửa, nhưng thực tế, việc này chưa đạt yêu cầu.
Một điểm đáng chú ý khác là việc tập huấn cho cơ sở về kiểm soát TTHC cũng chưa hoàn thành, đến nay chưa có hướng dẫn nhất quán về mô hình thực hiện kiểm soát TTHC cũng như phân biệt sự khác nhau giữa quận với huyện, phường với xã. Đây là một trong những lý do khiến việc bố trí nhân sự làm kiểm soát TTHC mỗi nơi một khác. Nơi nào bố trí cán bộ văn phòng làm kiểm soát TTHC thì có chế độ hỗ trợ, nơi nào bố trí cán bộ nội vụ làm thì chưa có… dẫn đến hiệu quả kiểm soát TTHC không đều.
Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm
Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Nguyễn Văn Lâm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 263/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch rà soát các quy định, TTHC trọng tâm. Đây là sự tiếp nối của Đề án 30 trước đây, là giai đoạn kiểm soát TTHC. Điểm khác biệt là tập trung rà soát 24 nhóm TTHC đang là lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Việc rà soát sẽ được thực hiện theo "chuỗi" các loại TTHC về một lĩnh vực như xây dựng cơ bản hay các giấy tờ liên quan đến công dân để tiến tới xây dựng mã số công dân thống nhất. Trọng điểm việc rà soát sẽ bắt đầu từ tháng 8 tới. Nên ngay từ bây giờ rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành của TP Hà Nội.
Chỉ đạo nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại Hà Nội trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định, nhận thức về kiểm soát TTHC đã đạt yêu cầu, các cấp, các ngành TP cần tích cực thực hiện. Trước hết phải xác định trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cũng lưu ý, cần phải kiên trì và có nhận thức cao về kiểm soát TTHC và xác định: "CCHC luôn luôn là một trong hai khâu trọng tâm, đột phá trong cả nhiệm kỳ, nên các ngành, các cấp phải cùng có trách nhiệm".
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu việc tập huấn kiểm soát TTHC phải kết thúc trong tháng 4 này. Các ngành, các cấp phải tập trung nâng cao chất lượng kiểm soát TTHC theo nguyên tắc chỉ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cố gắng đến mức cao nhất bớt đi các thủ tục không cần thiết. Đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải có ý thức tự kiểm tra, giám sát trong quá trình kiểm soát TTHC, vì đây là biện pháp quan trọng nhất để tránh gây ra những tác động tiêu cực của một TTHC.