Khó khăn trong quản lý hàng hóa tạm nhập, tái xuất

Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 02/04/2012

(HNM) - Thời gian qua, lực lượng liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại đã phát hiện nhiều loại hàng cấm, hàng kém chất lượng được các cá nhân, DN lợi dụng hình thức kinh doanh tạm nhập, tái xuất thẩm thấu vào thị trường trong nước để thu lợi bất chính...


Ngoài các mặt hàng nhập lậu như rượu, băng đĩa lậu, thuốc lá, hóa mỹ phẩm… đối tượng buôn lậu còn tuồn vào thị trường nhiều loại hàng cấm như ma túy, động vật quý hiếm, gỗ cao cấp, vàng, ngoại tệ... Năm 2011, lực lượng liên ngành đã phát hiện, bắt giữ 1.061kg ngà voi trị giá khoảng 30 tỷ đồng, do Công ty TNHH Thiên Cửu Long (Hải Phòng) lợi dụng hình thức kinh doanh TNTX để buôn lậu; phát hiện và bắt giữ hơn 100.000 bao thuốc lá ngoại, 100 tấn chân gà đông lạnh… Nguy hại hơn, qua tổng kiểm tra hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu, đã phát hiện, tạm giữ hàng trăm container hàng TNTX là hàng cấm, hàng không khai báo như thịt đông lạnh, chân gà, nội tạng động vật… có hiện tượng phân hủy, không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc.

Trong khi đó, việc xử lý hàng hóa kinh doanh TNTX vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường, công ước quốc tế chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền bị đối tượng buôn lậu lợi dụng để nhập hàng cấm, chất thải nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, hàng vi phạm quy định về bảo vệ môi trường là phế liệu, rác thải bị xử lý buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy, nhưng thực tế chi phí để tiêu hủy rất lớn. Một số mặt hàng nước ta chưa có công nghệ tiêu hủy bảo đảm tiêu chuẩn. Trường hợp buộc phải tái xuất theo Công ước Basel (tái xuất về nơi xuất khẩu hoặc sang nước thứ ba), thì nhiều trường hợp không thể thực hiện được, vì DN tuyên bố phá sản hoặc do không xác định được nước xuất khẩu, hoặc không tìm được nước thứ ba để tái xuất. Vì vậy, các vụ việc vi phạm trên phần lớn chỉ bị xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Loại hình kinh doanh TNTX tuy mang lại nguồn thu nhất định cho DN và địa phương có cửa khẩu, cảng biển, nhưng thực tế lợi nhuận thu về không lớn, ngược lại còn gây ra những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Vì là hàng TNTX nên Nhà nước không thu được thuế xuất khẩu, mà chỉ thu được khoản thuế thu nhập DN, trong khi đó nếu hàng hóa phải tiêu hủy sẽ mất một khoản kinh phí khá lớn. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng TNTX chủ yếu bằng container tải trọng lớn, trong khi hạ tầng giao thông của nước ta còn hạn chế, gây hỏng đường, ách tắc giao thông. Tình trạng tạm nhập sản phẩm kém chất lượng, không gia công chế biến để tiêu thụ trong nước đã, đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu Việt.

Để công tác chống buôn lậu, GLTM đạt hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế, các ngành chức năng cần sớm đổi mới, xây dựng bộ máy và lực lượng đủ mạnh; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp với luật pháp quốc tế. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu theo từng tuyến giao thông... Bộ Tài chính đã đề xuất với Bộ Công thương không cấp giấy kinh doanh TNTX với DN đã vi phạm; phối hợp nắm chính sách biên mậu của các nước bạn để thông tin cho DN thực sự TNTX tránh thiệt hại về kinh tế khi TNTX hàng kém phẩm chất. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ không cho TNTX các loại hàng tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá, phế liệu, phế thải...

Thanh Hiền