Tìm hình mẫu bảo tồn phố cổ

Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 02/04/2012

(HNM) - Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm đã lấy ý kiến về quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Theo đó, nhiều tuyến phố được đề xuất sẽ được phục dựng mặt đứng theo hình thức truyền thống.


Phố cổ Tạ Hiện đã được cải tạo lại mặt tiền.Ảnh: Viết Thành

Đối với các công trình ở lõi trung tâm (giới hạn bởi các tuyến phố Chả Cá, Lương Văn Can, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiệp, Hàng Đậu) dự thảo quy chế đề xuất phục dựng mặt đứng theo hình thức truyền thống; bảo tồn lớp nhà ngoài đối với công trình kiến trúc có giá trị. Các công trình xây mới phải phù hợp chiều cao từng tầng và hình thức kiến trúc các công trình liền kề, đoạn phố. Đồng thời, khu vực lõi trung tâm này chỉ khuyến khích sử dụng cho các chức năng tín ngưỡng, tôn giáo, nhà ở, cửa hàng mỹ nghệ, bán sản phẩm truyền thống, trụ sở cơ quan nhà nước, trung tâm bảo tồn. Trong khi đó, các chức năng cho phép nhưng có giới hạn là nhà kho, cửa hàng bán buôn, xưởng sản xuất, quán bar, khách sạn. Còn các chức năng không được phép là cửa hàng cầm đồ, siêu thị, trung tâm thương mại, có ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, giá trị truyền thống, môi trường, cảnh quan. Ngoài ra, sẽ khôi phục sinh hoạt của người dân theo tính chất của tuyến phố sản xuất nghề, ẩm thực, mua sắm, tham quan di tích.

Đối với các tuyến phố đệm, cụ thể như Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng, Phùng Hưng sẽ giữ nét kiến trúc truyền thống, quy mô công trình lớp ngoài 3-4 tầng. Phố Hàng Đậu được cải tạo mặt đứng, với quy mô công trình 3-4 tầng, trong khi phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải sẽ chấp thuận chuyển hóa từ những công trình kiến trúc cổ sang công trình kiến trúc hiện đại. Điểm đáng chú ý trong dự thảo quy chế là danh sách công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo, theo đó công trình có giá trị đặc biệt là 237/1.153 nhà. Về tổ chức không gian, những công trình giá trị về kiến trúc, lịch sử sẽ được bảo tồn nguyên trạng cấu trúc đặc trưng gồm tổ chức các lớp công trình kết hợp sân trong, phong cách và các chi tiết kiến trúc mặt đứng, họa tiết, hoa văn… Chỉ được phép sửa chữa cải tạo kết cấu, tăng cường chất lượng nhưng không được ảnh hưởng đến kiến trúc; sửa chữa các bộ phận công trình hư hỏng xuống cấp. Công trình có hình thái, phong cách kiến trúc đặc trưng cùng ngôn ngữ công trình liền kề, khu vực sẽ bảo tồn phong cách, hình ảnh kiến trúc mặt chính, cấu trúc tổ chức không gian và được xây dựng công trình mới có quy mô theo quy định. Các công trình không nằm trong danh mục có giá trị được phép xây mới với điều kiện kiến trúc mặt chính hài hòa với hình thái tổng thể dãy phố.

Về tổ chức giao thông, trong kế hoạch lâu dài sẽ tổ chức đi bộ trong khu phố cổ. Tuy nhiên, trước mắt triển khai 3 tuyến là Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân (đã tổ chức vào cuối tuần); Hàng Buồm - Mã Mây; Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn, khu phố cổ hiện mang nhiều giá trị vật thể, phi vật thể như nhà hình ống nhiều lớp kết hợp sân trong, phố nghề phát triển mạnh. Trong 100ha phố cổ, gồm 10 phường, bên cạnh 237 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt, còn có 128 công trình di tích lịch sử, tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, có vẻ như dự thảo quy chế quá lạc quan khi đưa ra phạm vi bảo tồn khá rộng. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho rằng, quy hoạch phố cổ tỷ lệ 1/2000 và điều lệ quản lý tạm thời năm 1999 đã xác định khu vực bảo tồn cấp 1 có diện tích 19ha nhưng thực tế không làm được. Vì thế, nên tôn tạo theo một số tuyến phố đặc biệt gắn với nghề truyền thống chứ không nên đưa ra khu vực bảo tồn cấp 1. "Mặc dù là người tham gia xây dựng điều lệ quản lý tạm thời cho khu phố cổ, nhưng tôi vẫn mong muốn có cơ hội để sửa chữa những quy định bất cập. Điều quan trọng nhất để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ là không gạt cuộc sống của người dân ra ngoài vòng quay của sự phát triển" - ông Nghiêm nói.

GS.TS Hoàng Đạo Kính bày tỏ quan điểm, cần xác định được giá trị của di sản phố cổ để bảo tồn. Bảo tồn, cải tạo cần gắn với phát triển thì mới có tính khả thi. Dự thảo quy chế này đang theo đuổi một di sản đang thay đổi, vì vậy nếu chúng ta chạy theo số lượng sẽ thất bại. Nhiều chuyên gia cũng lo lắng với số lượng 237 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt cần bảo tồn mà dự thảo đưa ra. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị cần tổng kết 20 năm thực hiện bảo tồn phố cổ, kể cả những thành công và thất bại, bởi Hà Nội đã tốn nhiều kinh phí, công sức để làm công việc này. Không chỉ có sự tham gia của chuyên gia trong nước mà còn có chuyên gia của 11 nước trên thế giới, nhưng những dự án được xây dựng công phu lại được áp dụng không nhiều trong thực tế.

Y Linh