Tây Ban Nha: Nền kinh tế cận kề miệng vực

Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 02/04/2012

(HNM) - Ngày 30-3, chính quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã công bố gói cắt giảm chi tiêu mới trị giá 30 tỷ euro (40 tỷ USD) nhằm ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách ngày một tồi tệ.

Theo Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, kinh tế nước này đã lại rơi vào suy thoái lần thứ 2 kể từ khi khủng hoảng kinh tế bùng phát năm 2008. Chỉ số tiêu dùng cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Trong khi đó thất nghiệp tăng vọt lên mức 24%, tức là vào khoảng 5,3 triệu người. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất  trong số các nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) hiện nay. Theo dự báo, kinh tế nước này có thể giảm 1,7% trong năm 2011. Tỷ lệ nợ công tuy không cao như các quốc gia khác trong nhóm các nước có nền kinh tế yếu kém (PIIGS) nhưng cũng gia tăng với tốc độ đáng báo động, vào khoảng 700 tỷ euro, dự kiến tương đương 67% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào tháng 12 tới.

Biểu tình đã biến thành bạo loạn ở một số thành phố của Tây Ban Nha ngay trước khi Chính phủ công bố gói cắt giảm chi tiêu mới.


Tuy nhiên, mối lo chính của Tây Ban Nha không chỉ nằm ở nợ công mà còn là nợ tư nhân thông qua các khoản vay của công ty và hộ gia đình, đã lên mức 170% GDP. Dù hiện tại, Tây Ban Nha vẫn khẳng định khả năng tự lực cánh sinh, tuy nhiên các nhà chuyên môn cho rằng, nếu những "chiếc phao" tài chính không phát huy hiệu quả, nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Âu này sẽ phải đối diện với nguy cơ tái cơ cấu nợ  tương tự Hy Lạp. Đây sẽ là cú sốc lớn đối với Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) bởi qui mô kinh tế Tây Ban Nha lớn gấp hai lần Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp gộp lại. Chính vì những tín hiệu xấu phát đi từ Madrid, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha những ngày gần đây đã leo lên mức 5,51%, vượt qua cả Italia.

Tương tự như nhiều quốc gia trong vùng ảnh hưởng của bão nợ, Chính phủ Tây Ban Nha buộc phải giảm thâm hụt ngân sách từ 8,5% xuống 5,3% GDP. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là liệu Tây Ban Nha có thể vượt qua nguy cơ vỡ nợ bằng con đường cắt giảm chi tiêu hay không khi biện pháp này đang đẩy nền kinh tế rơi vào vòng xoáy giảm phát trong khi nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng đồng hành cùng các cuộc biểu tình.

Ngay trước khi chính phủ công bố liệu pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc nhất trong những năm gần đây, các nghiệp đoàn Tây Ban Nha đã đồng loạt tổ chức đình công trên cả nước khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa, giao thông đình đốn. Nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra ở những thành phố lớn và thậm chí có nơi đã biến thành bạo loạn khi những người quá khích đốt phá ngân hàng, cửa hiệu. Cảnh sát đã bắt giữ gần 200 người, trong khi khoảng hơn 100 người bị thương trong các cuộc đụng độ. Lãnh đạo các nghiệp đoàn khẳng định, đây chưa phải là "trận đánh" cuối cùng mà mới chỉ là bước khởi đầu cho một cuộc đấu tranh lâu dài. Đây chắc chắn sẽ là một phép thử vô cùng khó khăn đối với tân chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy.

Phương Quỳnh