Chưa thu phí hạn chế xe cá nhân, xe lưu hành trong nội đô
Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 02/04/2012
Dự kiến thu phí xe vào trung tâm thành phố đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Ảnh: Đàm Duy
Phải có luận cứ khoa học và thực tiễn
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, chính xác là có 3 loại phí đang được đề xuất. Đây không phải là sáng kiến riêng của Bộ GTVT mà đều là thực hiện theo luật hoặc nghị quyết của Quốc hội. Trong đó phí bảo trì đường bộ (sẽ áp dụng từ ngày 1-6-2012) là thực hiện theo Luật GTVT có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Hai loại phí còn lại là phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí xe vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là thực hiện theo Nghị quyết số 21 của Quốc hội ngày 29-11-2011.
Đối với phí hạn chế phương tiện cá nhân đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết những thông tin mới nhất là trong đề án trình Chính phủ, Bộ GTVT chưa đề xuất thời điểm áp dụng. Ông khẳng định chắc chắn là ngay trong năm 2012 cho dù Bộ GTVT có đề xuất thu cũng không đủ thời gian hoàn tất các thủ tục để thực hiện. Ông cũng từ chối cho biết dự kiến lộ trình triển khai loại phí này ra sao. Đặc biệt, Bộ trưởng GTVT còn cho biết, tiếp thu ý kiến dư luận, Bộ GTVT đã điều chỉnh các mức thu phí hạn chế phương tiện theo hướng thấp hơn và chia nhỏ ra thay thế cho khung từ 20 đến 50 triệu đồng/xe/năm như đề xuất ban đầu. Mức đề xuất mới bắt đầu từ 10 triệu đồng/xe/năm đối với xe có dung tích xi lanh dưới 1.0, 15 triệu đồng/xe/năm đối với xe từ 1.0-1.5, 20 triệu đồng đối với xe từ trên 1.5-2.0, 25 triệu đồng đối với xe trên 2.0.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, việc đề xuất thu loại phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân này có tính chất lịch sử, vì ở giai đoạn hiện nay, với hạ tầng giao thông yếu kém, nên bắt buộc phải có biện pháp hạn chế. Nếu sau này khi cơ sở hạ tầng phát triển, có thể Nhà nước sẽ còn khuyến khích mua sắm xe ô tô bằng việc gỡ bỏ các loại phí. Ông cho rằng, ngoài ý nghĩa giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, đề xuất thu phí còn nhằm tăng nguồn thu để đầu tư phát triển hạ tầng GTVT giữa lúc ngân sách đang hết sức khó khăn. Với khoảng 600.000 ô tô, ngân sách nhà nước sẽ có thêm khoảng 12.000-15.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, việc thu phí hạn chế phương tiện áp dụng đối với xe máy sẽ thực hiện ở 5 thành phố trực thuộc TƯ gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Người nghèo sẽ được miễn nộp phí này. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho hay, đề xuất thu phí là một trong nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế ùn tắc, giảm tai nạn giao thông đang được triển khai thực hiện, trong đó có Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chủ trì cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, trước các đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí xe vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, Thủ tướng thấy rằng, đây là việc liên quan đến nhiều người dân, cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành liên quan xem xét, cho ý kiến, trong đó phải làm rõ được các luận cứ khoa học trên cơ sở thực tiễn và đánh giá được tác động của chính sách. Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này trước khi quyết định chính thức.
Điều hành kinh tế đã chuyển sang trạng thái chủ động
Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế quý I-2012 nói chung là thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Trong vòng 10 năm trở lại đây, với mức tăng trưởng 4%, GDP quý I-2012 chỉ cao hơn quý I-1999. Tuy nhiên, có rất nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là về kinh tế vĩ mô, điều hành của Chính phủ đã chuyển từ trạng thái thụ động ứng phó với lạm phát sang chủ động điều hành theo mức lạm phát mục tiêu.
Những tín hiệu tích cực đáng chú ý khác thể hiện ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Trong đó, về công nghiệp, dịch vụ, kết quả chung quý I tăng thấp, nhưng tháng 3 đã tăng tốc cao hơn rất nhiều 2 tháng trước, nhất là công nghiệp chế biến. Xuất khẩu tháng 3 không chỉ tăng cao, mà cơ cấu hàng xuất khẩu cũng rất đáng mừng là hàng nông sản và khoáng sản thô giảm, trong khi hàng chế biến, điện máy tăng rất cao, có mặt hàng tăng trên 100%. Nhập siêu quý I chỉ là 251 triệu USD, bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu, là mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây (cùng kỳ năm 2011 là 3 tỷ USD). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2-2012. So với tháng 12-2011, chỉ số tiêu dùng tháng 3 chỉ tăng 2,55% là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, điều hành vĩ mô đang đi đúng hướng; Chính phủ xác định kiên trì thực hiện lâu dài các biện pháp hiện nay nhằm khắc phục những "căn bệnh" của nền kinh tế đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Trước hết, mục tiêu quan trọng nhất của năm 2012 là kiểm soát lạm phát ở mức 1 con số, duy trì tăng trưởng hợp lý 6%.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tổng phương tiện thanh toán tăng rất thấp với khoảng 2%, trong khi dư nợ tín dụng quý I thậm chí còn tăng trưởng âm. Để thực hiện mục tiêu giữ lạm phát một con số và tăng trưởng 6%, tổng phương tiện thanh toán có thể tăng 15-17%, dư nợ tín dụng có thể tăng 13-14%; vì vậy phần còn lại của việc điều hành tiền tệ có thể linh hoạt và chủ động hơn. Đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để khắc phục khó khăn.