Sàng lọc “sức khỏe” các doanh nghiệp

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 02/04/2012

(HNM) - Cuộc họp báo thường kỳ trưa 1-4 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ công bố, hết quý I-2012 có 2.200 DN làm thủ tục giải thể và trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.


Tuy nhiên, cũng trong quý I-2012 đã có trên 15.300 DN mới thành lập. Bên cạnh đó, theo số liệu cung cấp của các cơ quan chức năng, trong 3 tháng đầu năm có khoảng 341,4 nghìn người được tạo việc làm. Cùng với đó, giá cả, lạm phát có xu hướng giảm dần. Theo nhận định của Chính phủ thì các biện pháp quản lý, điều hành đang đi đúng hướng và bước đầu phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang phải đương đầu với nhiều thách thức như hiện nay, việc số lượng DN của chúng ta phải ngừng hoạt động sản xuất hoặc giải thể trong những tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ các năm trước cũng là vấn đề bình thường. Mặt khác, cùng với quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện tái cơ cấu bộ máy quản lý, phương thức điều hành, hoạt động của các DN nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty để nâng cao hiệu quả kinh doanh, sản xuất; việc kiểm tra, sàng lọc lại hoạt động của khối DN tư nhân, các DN vừa và nhỏ cũng là hết sức cần thiết nhằm tăng sức "đề kháng" cũng như khả năng thích ứng và nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia. 97% số DN của chúng ta hiện nay là các DN tư nhân, DN vừa và nhỏ, sử dụng 50,1% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cả nước. Nếu tính cả 133.000 HTX, trang trại và các hộ kinh doanh cá thể thì khu vực này đóng góp vào tăng trưởng tới 60% GDP của Việt Nam.

Vậy nhưng, bên cạnh những DN năng động, làm ăn hiệu quả, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh tình hình chung trong từng giai đoạn của đất nước, có không ít DN được thành lập với nhiều mục đích khác nhau, có thể xem như để cho vui. Do đó trong thực tế, các cơ quan chức năng không ít lần phản ánh về tình trạng "nở rộ" hoạt động của những DN "ma", Nhà nước thì thất thu thuế, tác động xấu tới nền kinh tế và tiềm ẩn những nỗi lo trong xã hội (nhiều DN trong số đó có hoạt động vi phạm pháp luật hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh không theo đúng đăng ký ngành nghề với cơ quan quản lý). Cũng như những "phong trào" từng sôi động một thời mà người ta vẫn nói ví von rằng, "ra ngõ là gặp điển hình", "ra đường là gặp nhà thơ"... bây giờ ở đâu cũng gặp giám đốc, tổng giám đốc, phó giám đốc, trợ lý giám đốc... Những tấm danh thiếp rất "kêu" được rải như bươm bướm, nhằm tô vẽ, trang điểm và phục vụ khâu... oai nhiều hơn là việc cung cấp những thông tin cần thiết để giao dịch, làm ăn. Thế nên mới có những giám đốc chức danh phủ kín hai mặt danh thiếp, nhưng trước khi ra đường uống cốc bia phải len lén lấy tiền cho vào trong... tất để giấu vợ. Rồi lại có cả những giám đốc chi nhánh, giám đốc khu vực, không nhân viên, không người dưới quyền, lương mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, đủ tiền dè sẻn để đổ xăng và ăn trưa cho chuyện đi gạ gẫm, mồi chài khách hàng kiểu như tham gia bán hàng đa cấp!

Thử hỏi, những DN hoạt động kiểu đó mang lại hiệu quả, lợi ích gì cho xã hội? Do đó, việc các DN phải giải thể, ngừng hoạt động phản ánh thực trạng sản xuất, kinh doanh khó khăn, song cũng theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong số đó có không ít DN nhỏ và... cực nhỏ, tồn tại từ trước tới nay theo kiểu "trăm hoa đua nở". Số DN này "báo tử" không ảnh hưởng gì tới nền kinh tế. Ở các quốc gia khác cũng vậy, giải thể và thành lập doanh nghiệp là chuyện bình thường, tất yếu theo quy luật vận hành của nền kinh tế. Như vậy, việc kiểm tra và sàng lọc "sức khỏe" các DN cũng là điều hết sức cần thiết để có một nền kinh tế phát triển lành mạnh và đủ sức chống chọi với những khó khăn, thách thức. Lập ra các DN không phải là để trang trí cho xã hội và giải quyết khâu... oai cho một số cá nhân.

Hoàng Thu Vân