Chọn việc yêu thích và phù hợp
Chính trị - Ngày đăng : 06:53, 01/04/2012
Không chỉ được các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ dự thi… các em còn được Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội và một số doanh nghiệp, trường đào tạo nghề cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực, lao động hiện tại và các dự báo trong tương lai.
Thanh niên, học sinh tìm hiểu ngành điện công nghiệp, Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội tại ngày hội thanh niên Thủ đô với nghề nghiệp. Ảnh: Bảo Lâm |
Ngành nào dễ xin việc?
Đó là câu hỏi mà các bạn học sinh đặc biệt quan tâm gửi đến các chuyên gia trong buổi tư vấn. Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Vấn đề mấu chốt là các em yêu thích công việc gì, công việc đó có phù hợp với khả năng của mình hay không thì nên chọn chứ không nhất thiết phải theo đuổi những nghề "hot" của xã hội. Ông cha ta vẫn dạy "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", nên cố gắng hết sức để giỏi một nghề nào đó thì sẽ có nhiều khả năng xin việc.
Chuyên gia tâm lý đồng thời là Giám đốc Mạng việc làm 116 Nguyễn Lâm Thúy cũng cho rằng: Chọn nghề yêu thích, chứ không nên chọn nghề nào dễ xin việc vì thị trường lao động trong vài năm tới sẽ thay đổi. Có thể một nghề nào đó hiện tại xã hội rất ưa chuộng, nhưng chỉ một vài năm sau, khi có đông học viên ra trường lại rất dễ thừa. "Tôi có một cô em họ, cô ấy phải loay hoay mất 3 năm mới thi vào học Trường Đại học Y khoa và mất 7 năm sau mới vào được Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) làm việc. Nhưng bây giờ bệnh nhân muốn được cô ấy khám phải đặt lịch trước hằng tháng. Qua câu chuyện đó để thấy được rằng, nếu các em yêu thích nghề, sẵn sàng trả giá để được làm nghề mình yêu thích, nhất định sẽ gặt hái được thành công" - chuyên gia tâm lý Nguyễn Lâm Thúy chia sẻ.
Chúng ta đều thấy rõ con đường vào học đại học không phải là con đường duy nhất để thành công của mọi thanh niên. Mỗi thí sinh nên tùy vào lực học của bản thân để xác định trường nào thi cho phù hợp. Lực học ở mức trung bình hoặc khá thì có thể chọn thi trung cấp, cao đẳng (sau đó vẫn có thể học liên thông lên đại học). Học nghề cũng là một con đường để thử thách và "tìm ra" chính mình. Thực tế, có công nhân nghề hàn, khi đã là thợ giỏi, lương bình quân hơn chục triệu đồng/tháng, trong khi đó thời gian hưởng mức lương đôi ba triệu đồng/tháng của người tốt nghiệp đại học không hề ngắn. Vì thế, lời khuyên ở đây là các bạn trẻ đừng gồng mình nhảy qua cái sào mét rưỡi, trong khi sức của bản thân chỉ có thể vượt qua một mét (!).
Năm bước chọn nghề đúng đắn
Để chọn được nghề đúng đắn, rất nhiều chuyên gia chia sẻ rằng, với những bạn học sinh băn khoăn chưa biết chọn nghề gì thì nên dành một chút thời gian để đánh giá toàn diện về bản thân. Suy ngẫm xem năng lực nổi trội của mình là gì, tức là cái giỏi của bản thân mà xã hội đang cần. Năng lực học tập ở trường là như thế nào, sức khỏe của mình ra sao, hình thức của mình ở mức nào? Và cuối cùng là điều kiện, hoàn cảnh gia đình mình. Tổng hợp tất cả các yếu tố đó lại để tìm ra một cái chung duy nhất, phát huy nội lực của mình trong chọn nghề. Công thức chung cho chọn nghề đúng đắn được chuyên gia tâm lý Nguyễn Lâm Thúy đưa ra một quy trình gồm 5 bước: Hiểu mình - hiểu nghề - lựa chọn - xây dựng mục tiêu - hành động.
Để giúp học sinh có phương pháp học nước rút cuối cấp, rất nhiều thủ khoa các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội chia sẻ với học sinh lớp 12 khối THPT. Thủ khoa Học viện Ngân hàng Nguyễn Hương Giang chia sẻ: "Trong giai đoạn nước rút, cần tập trung thật cao độ, đặt ra kế hoạch học tập chi tiết, hôm nay học phần nào, hôm sau học phần nào, không nên học dàn trải. Sau mỗi một phần học cần rút ra từng ý để sau này tổng hợp và xem lại…". Thủ khoa Học viện Tài chính Nguyễn Vũ Duy Hiếu chia sẻ thêm: "Sắp xếp thời gian cũng là một yếu tố quyết định thành công. Cần phải bố trí để có nhiều đợt ôn thi. Ví dụ từ tháng hai, tháng ba đã ôn thi lần thứ 4; tháng tư, tháng năm là lần ôn thi thứ 5; tháng sáu, tháng bảy là đợt ôn cuối cùng tổng hợp lại kiến thức. Cũng nên tập giải đề thi đại học ngay từ lớp 11, không nhất thiết học xong hết tất cả mới luyện đề thi. Trong giai đoạn ôn luyện nước rút, học sinh cũng cần phải vừa học vừa kết hợp với giải trí hợp lý...
Học tập và lựa chọn nghề nghiệp ra sao năm nào cũng đặt ra với học sinh cuối bậc phổ thông nhưng sẽ mãi là vấn đề thời sự nóng không chỉ của giới trẻ mà còn là của cả cộng đồng. Đông đảo học sinh và phụ huynh quan tâm tới các buổi tư vấn tại chỗ do Đoàn Thanh niên tổ chức đã khẳng định thành công của biện pháp này và đó cũng là cơ hội để tổ chức đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn về tương lai của giới trẻ hôm nay.