Nam Trung bộ khẩn trương chống bão

Xã hội - Ngày đăng : 06:23, 01/04/2012

(HNM) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, do bộ phận không khí lạnh nén xuống các tỉnh Trung Trung bộ nên hướng di chuyển bão số 1 nhằm thẳng vào đất liền, trực tiếp gây ảnh hưởng đến các địa phương ven biển từ Bình Thuận - Bến Tre.

Đến 13 giờ ngày 1-4, vị trí tâm bão vào khoảng 10,3 độ vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển Bình Thuận - Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7 (tức là từ 50-61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Phú Yên - Bến Tre (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Các tỉnh từ Bình Định - Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Các lực lượng chức năng tổ chức di dời dân ở đảo Thạch An, huyện Cần Giờ vào sâu trong đất liền để tránh bão.

* Chiều 31-3, UBND huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) cùng các lực lượng chức năng đã cơ bản hoàn thành việc sơ tán, di dời khoảng 3.000 dân ở xã đảo Thạnh An và các vùng nguy hiểm vào đất liền an toàn. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP Hồ Chí Minh cho biết đã huy động gần 200 người (chưa kể lực lượng tại chỗ của xã Thạnh An), 16 phương tiện tàu thuyền của nhân dân, 11 phương tiện tàu, ca nô của các cơ quan, lực lượng và 25 xe tải, xe khách các loại vào việc di dời 3.748 hộ/15.021 người đến các địa điểm tạm cư an toàn, bảo đảm các điều kiện hậu cần, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Cũng trong ngày 31-3, UBND TP đã phát công văn hỏa tốc yêu cầu các quận huyện, sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng các phương án ứng phó chủ động với cơn bão số 1.

* Theo báo nhanh của Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm sập và tốc mái nhà cửa của 29 hộ gia đình. Mưa lốc cũng làm thiệt hại hơn 23.000 tấn muối của diêm dân. Tại tỉnh Long An, rạng sáng 31-3, lốc xoáy xảy ra làm sập và tốc mái 70 căn nhà thuộc hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc. Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là các xã Long Thượng, Phước Lý (huyện Cần Giuộc), với 50 căn nhà bị ảnh hưởng. Ngoài ra, lốc xoáy đã làm gãy đổ khoảng 7.000ha lúa. Trong ngày, các lực lượng của tỉnh Long An đã xuống cơ sở giúp dân dựng lại nhà cửa. Huyện Cần Giuộc đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng để mua cây, lá lợp lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Chuẩn bị hàng hóa cứu trợ, giúp dân ổn định sinh hoạt chống bão số 1. Ảnh: TTXVN

Theo thông báo mới nhất, bão số 1 đã gây ra những thiệt hại đối với tàu thuyền của một số địa phương. Cụ thể, 2 tàu của ngư dân ở Phú Yên và Khánh Hòa bị sóng đánh chìm, rất may không có thiệt hại về người. Ba tàu cá khác của Phú Yên và Quảng Ngãi bị hư hỏng. Các tàu cá QNg 90046 với 12 lao động và tàu QNg 90252 với 11 lao động đều của tỉnh Quảng Ngãi đang thả trôi cách đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) khoảng 122 hải lý về hướng đông bắc, trong ngày 31-3, vẫn duy trì liên lạc với đài canh của Biên phòng Quảng Ngãi.

Tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) được xác định là tâm vùng bão quét qua, 9 giờ sáng 31-3 đã có mưa lớn trên diện rộng, gió đã lên đến cấp 7-8, giật cấp 9-10. Hiện chưa thống kê được tình hình thiệt hại. Để chủ động đối với diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh Bình Thuận đã xác định có 33 điểm dân cư với 31.610 nhân khẩu phải sơ tán, di dời khi có bão đổ bộ trực tiếp và 83 điểm với 35.601 nhân khẩu phải sơ tán, di dời khi xảy ra lũ.

* Chủ động đối phó với bão số 1 đang diễn biến phức tạp, đến 18 giờ tối 31-3, hai huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang là Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã tổ chức cho hơn 11.000 hộ dân di tán đến nơi ở an toàn, tránh bão. Đây là số hộ có nhà ở ngoài đê, ven cửa sông rất nguy hiểm khi có bão đổ bộ vào. Trong đó, ở huyện Gò Công Đông có 9.500 hộ dân, huyện cù lao Tân Phú Đông có 1.800 hộ dân đã di tản. Các hộ này tạm thời đến ở nhà người thân, trường học và các cơ quan, đơn vị được xây dựng kiên cố, bảo đảm an toàn khi có bão cấp 8, cấp 9. Riêng huyện cù lao Tân Phú Đông tạm thời chưa di tản dân vào đất liền mà chủ yếu thực hiện phương án "4 tại chỗ", di trú tại những khu vực kiên cố tại địa bàn.

Chí Kiên - Hoài Thu