Phải rõ ràng trách nhiệm và biện pháp
Chính trị - Ngày đăng : 08:06, 31/03/2012
Luật Tố cáo dành riêng chương 5 quy định về việc bảo vệ người tố cáo. Vấn đề ở chỗ, xác định người tố cáo ở vào hoàn cảnh, tình trạng ra sao để được bảo vệ? Quy định này cũng đồng nghĩa với việc bên cạnh công tác giải quyết đơn tố cáo theo quy trình cũ, cơ quan giải quyết tố cáo phải tiến hành xác minh thêm các điều kiện để người tố cáo có thể được áp dụng các biện pháp bảo vệ. Khi đã được áp dụng biện pháp bảo vệ rồi, người tố cáo và người thân của họ vẫn bị tấn công, đe dọa, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe… thì đơn vị, người thực thi nhiệm vụ bảo vệ sẽ phải chịu trách nhiệm gì? Thông thường, phần lớn người tố cáo là những người yếu thế, việc bảo vệ là rất cần thiết, vì vậy phải quy trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ, tránh quy định chung chung sẽ trở thành hình thức.
Bà Nguyễn Thị Quyên (Công ty Luật TNHH Youme):Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức công đoàn
Điều 37, Luật Tố cáo quy định bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc là quy định thiết thực với người lao động, song không dễ thực hiện. Người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức… đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị… được bảo đảm vị trí công tác, không bị phân biệt đối xử về việc làm dưới mọi hình thức; người có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức… không được trả thù, trù dập… Tuy nhiên, việc xác định "không phân biệt", "trù dập" là rất khó vì những hành vi này có thể sẽ bị biến thiên theo nhiều cách thức khác nhau dưới dạng luân chuyển vị trí, thay đổi hợp đồng lao động… Tại khoản 3, Điều 37 cũng ghi rõ: "Khi người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động có quyền yêu cầu tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động địa phương có biện pháp bảo vệ". Thực tế, công đoàn cơ sở tại nhiều đơn vị đã không phát huy chức năng bảo vệ người lao động, vì không có vị thế độc lập tương đối với người quản lý. Do đó, khi cụ thể hóa quy định này, nghị định hướng dẫn cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức công đoàn khi bảo vệ người tố cáo.
Bà Phạm Thị Thanh Tân (lớp Cao cấp lý luận chính trị, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh):Có chế tài đủ mạnh với việc giải quyết đơn tố cáo không đúng thời hạn
Thực tế việc giải quyết đơn tố cáo thường mất rất nhiều thời gian và đây là cơ hội để người bị tố cáo có điều kiện tìm cách tác động đến người có thẩm quyền giải quyết. Theo tôi, phải có quy định "cứng" và thực hiện thật nghiêm chế tài đối với đơn vị, người giải quyết đơn tố cáo không đúng thời hạn luật định. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu phát hiện có người dùng uy tín, quyền hành, vật chất… tác động làm sai sự thật khách quan, thì cũng phải đưa người đó ra xem xét, xử lý công khai. Quy định bảo vệ người tố cáo được luật hóa, thực chất là "buộc" thêm việc cho cơ quan giải quyết tố cáo và các cơ quan chức năng khác. Do vậy, nếu không có cơ chế rõ ràng về nguồn kinh phí để duy trì thực hiện thì rất khó mang lại hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Dân (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm):Nên có lực lượng chuyên biệt bảo vệ người tố cáo
Tôi rất quan tâm khoản 3, Điều 39 về một số biện pháp bảo vệ người tố cáo và người thân của họ như bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản... Hiện nay, lực lượng và trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ chính của chính quyền và công an cấp xã, phường, thị trấn còn chưa đầy đủ, nay lại "gánh" thêm công việc trên, tôi e quy định như vậy có phần khiên cưỡng và khập khiễng với thực tiễn. Theo tôi, mỗi quận, huyện cần phải có một lực lượng chuyên biệt làm nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo và bộ phận này có sự độc lập tương đối với các cơ quan chức năng khác. Bởi lẽ, phải có một cơ chế hoạt động riêng thì họ mới coi trọng nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo và người tố cáo mới thật sự tin tưởng, dám đấu tranh với những hành động, việc làm sai trái.