Sáp nhập Mobifone và Vinaphone: Khách hàng được gì?
Xe++ - Ngày đăng : 07:24, 30/03/2012
Điều đó cho thấy, việc sáp nhập giữa hai nhà mạng di động không chỉ là của Tập đoàn VNPT, cho dù đây mới là một trong những phương án mà VNPT dự kiến trong đề án tái cơ cấu tập đoàn.
Trở lại câu chuyện về việc sáp nhập Mobifone và Vinaphone. Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông ban hành đầu năm 2011 quy định, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu hơn 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp (DN) thì không được sở hữu hơn 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quy định. Như vậy, theo nghị định này, VNPT sẽ phải sáp nhập Mobifone với Vinaphone hoặc cổ phần hóa một trong hai mạng di động và không được sở hữu chéo quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần sang mạng kia. Theo yêu cầu, các DN nhà nước phải thực hiện tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, do vậy, VNPT phải chủ động đề xuất các phương án liên quan đến tái cấu trúc DN, trong đó có phương án liên quan đến số phận hai mạng Mobifone, Vinaphone. Dựa trên cơ sở các phương án do VNPT đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT sẽ thẩm định và có ý kiến về việc này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ cuối năm 2011, đầu năm 2012, chuyện sáp nhập hai nhà mạng kể trên đã được nhắc tới… Được biết, VNPT đã trình Bộ TT-TT đề án tái cơ cấu tập đoàn, trong đó có phương án sáp nhập hai nhà mạng Mobifone và Vinaphone. Nhưng đó chỉ là mong muốn, là ý chí của DN và điều này cũng là dễ hiểu. Bởi, cho dù nền kinh tế có gặp khó khăn, thì lĩnh vực di động luôn được coi là ngành kinh doanh "gà đẻ trứng vàng" khi cả hai nhà mạng di động Mobifone và Vinaphone chiếm áp đảo về tỷ trọng doanh thu của tập đoàn từ trước đến nay. Đặc biệt là Mobifone, theo số liệu SXKD năm 2011, nhà mạng này tuy chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT nhưng lại đang chiếm gần 1/3 tổng doanh thu và 60% lợi nhuận của tập đoàn này. Ngoài ra, Mobifone cũng là nhà mạng nhiều năm liền được đánh giá là nhà mạng có chất lượng tốt nhất theo bình chọn, công nhận của khách hàng và thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, Mobifone là "cục vàng" của VNPT và cũng là dễ hiểu khi VNPT lựa chọn giải pháp sáp nhập Mobifone-Vinaphone mà chưa muốn thoái vốn tại DN này. Còn Vinaphone thì sao? Nếu so với Mobifone - có xuất phát điểm là hợp tác kinh doanh với nước ngoài, thì Vinaphone là 100% của VNPT. Theo dòng lịch sử, vinaphone đã có những lúc phát triển khá huy hoàng. Nhà mạng này trước đây được khách hàng, nhất là những người thường xuyên đi công tác khá ưu ái khi có vùng phủ rộng khắp hơn Mobifone. Song, bước vào giai đoạn thị trường cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là từ khi mạng viettel ra đời thì vina phone đã bộc lộ sự đuối sức ở nhiều lĩnh vực, kết quả là Vinaphone từ chỗ có lúc giữ vị trí số 1 nay tụt hạng đứng thứ 3 trong tam "đại gia" của thị trường di động. Câu hỏi đặt ra, giả sử phương án sáp nhập hai nhà mạng được chấp thuận, liệu VNPT, trong đó có Mobifone có "kéo" được Vinaphone cùng phát triển mạnh hay không? Tuy nhiên, đó mới là các phương án tính toán của DN và vẫn phải chờ ý kiến đề xuất, tham mưu của Bộ TT-TT và cuối cùng là quyết định của Chính phủ. Nhưng với khách hàng sẽ được lợi gì?
Ý kiến bình luận trên một số diễn đàn cho thấy có không ít bạn đọc (là khách hàng sử dụng dịch vụ di động) của hai nhà mạng trên bày tỏ vui mừng nếu hai nhà mạng sáp nhập làm một. Các "fan" của vinaphone hy vọng nếu sáp nhập xảy ra, hai nhà mạng sẽ triệt để roaming mạng lưới và chất lượng dịch vụ của Vinaphone sẽ được cải thiện. Nhóm ý kiến khác thì cho rằng, họ mong muốn được hưởng cách chăm sóc khách hàng như thuê bao Mobifone… Nhưng có không ít bạn đọc gửi bình luận lo ngại rằng việc sáp nhập này (nếu có) sẽ tạo tiền lệ không tốt cho thị trường viễn thông sau này. Vì sau khi sáp nhập, VNPT sẽ trở thành DN giữ thị phần di động chủ chốt (số liệu năm 2011, Mobifone 29,11%, Vinaphone 28,71%) và cùng với viettel giữ 36,72% thị phần thì khi đó hai DN nhà nước lớn cùng nắm giữ tới gần 95% thị phần, sẽ khó có "cửa" cho DN ngoài nhà nước phát triển. Thêm vào đó, một số chuyên gia còn quan ngại, nếu sáp nhập, thị trường chỉ có hai "ông lớn", dẫn tới khả năng họ cùng bắt tay để thỏa hiệp và thị trường viễn thông có thể quay lại thế độc quyền. Từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường viễn thông và cuối cùng khách hàng lại chịu thiệt.
Nhưng tất cả mới chỉ là ý kiến, quyết định cuối cùng vẫn phải chờ. Điều đó có nghĩa vẫn còn hy vọng cho cả khách hàng lẫn DN.