Hà Nội: Chờ diện mạo quy hoạch kiến trúc mới
Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 30/03/2012
Sau khi dự án trung tâm KĐT Tây Hồ Tây hoàn thành, thủ đô sẽ có một KĐT được xây dựng hiện đại nhất. Ảnh: Phương Thảo |
Tại hội nghị giao ban về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư không GPMB kiểu "dàn hàng ngang", mà phải xác định trọng điểm, trọng tâm theo danh mục thứ tự dự án ưu tiên đã quy định. Thực hiện đúng chủ trương của lãnh đạo TP Hà Nội, Công ty TNHH Phát triển THT (chủ đầu tư dự án khu trung tâm KĐT Tây Hồ Tây) cho biết, đơn vị đang nỗ lực hoàn thành GPMB giai đoạn 1 (diện tích 117,3ha) thuộc địa bàn huyện Từ Liêm, để có thể đáp ứng tiến độ cùng triển khai đồng bộ với các dự án trọng điểm quốc gia và của TP Hà Nội, như các dự án Đường nối cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài, Nhà ga T2, đường Vành đai 1, 2, 3, cầu Nhật Tân... Dự án này đang khẩn trương để chuẩn bị khởi công.
Nỗ lực nói trên của chủ đầu tư dự án này là một trong những điểm nhấn đáng chú ý trên thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay. Trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng kéo dài, các ngân hàng "thắt chặt" tín dụng, nhiều dự án BĐS đã phải ngừng thi công, thì việc chủ đầu tư dự án Tây Hồ Tây vẫn gấp rút GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã cho thấy năng lực về tài chính của DN này. Việc sớm triển khai các hạng mục của dự án cho thấy có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Bởi, sau khi hoàn thành Hà Nội sẽ có một KĐT mới hiện đại, đồng bộ. Trong tổng diện tích 207,6ha của dự án, có 114,67ha sẽ được bàn giao để triển khai các khu công cộng có đủ hạ tầng kỹ thuật, gồm 89,65ha đường giao thông, công viên, cây xanh, hồ điều hòa, mương nước, hành lang cách ly và hơn 25ha không gian mở, phục vụ hoạt động công ích của Hà Nội. Với quy hoạch như vậy, Hà Nội sẽ tiết kiệm được khoản ngân sách lớn để bồi thường, GPMB và phát triển hạ tầng với diện tích đáng kể dùng triển khai các khu công cộng nói trên. Trong khi đó, hơn 5.000 chỗ ở hiện đại, tiện nghi của dự án sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhà ở tại Hà Nội, đồng thời nâng cao chất lượng và môi trường sống trong phạm vi dự án, cũng như các khu vực lân cận nhờ hạ tầng đồng bộ.
Ở góc độ kinh tế, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của dự án sẽ đóng góp quan trọng vào quá trình thu hút vốn "ngoại" của Hà Nội. Không chỉ là khoản vốn lớn, mà với tư cách như một khoản "vốn mồi", dự án có thể thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, thương mại, các tòa nhà chức năng khác trong cả một quần thể đô thị phía tây Hà Nội; đồng thời góp phần tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc thiết lập cơ sở hạ tầng một cách hệ thống, có tính đến các nhu cầu cho tương lai như giao thông vận tải, quản lý đô thị, dự án Tây Hồ Tây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kỹ thuật phát triển đô thị mới tại Việt Nam thông qua việc tiếp cận, vận hành những công nghệ thiết kế, xây dựng công trình tiên tiến nhất của Hàn Quốc và thế giới.
KĐT Tây Hồ Tây thuộc địa giới hành chính các phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm). Phía bắc KĐT là đường quy hoạch tiếp giáp với Khu Ngoại giao đoàn; phía nam có mặt cắt ngang 40m ra đường Hoàng Quốc Việt; phía đông là đường Vành đai 2, đường Lạc Long Quân; phía tây là đường có mặt cắt ngang 40m ra đường Phạm Văn Đồng. Dự án là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam -Hàn Quốc, được xây dựng và triển khai theo thỏa thuận giữa hai Bộ Xây dựng của hai quốc gia và thuộc Quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. |