Tinh giản biên chế phải gắn với tái cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
Chính trị - Ngày đăng : 18:37, 29/12/2022
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương tham dự. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.
Năm 2022, Bộ Nội vụ đã bám sát mục tiêu, đường lối của Đảng, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm hành động năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả”, cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thông những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực thi chính sách.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong năm 2022, ở bộ, ngành giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ.
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định của Chính phủ; giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016.
Tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021); trong đó, ở các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, giai đoạn 2020-2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức. Trong đó, tuyển dụng được 258 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Kết quả tuyển dụng đã cơ bản kịp thời khắc phục tình trạng gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc.
Công tác cải cách hành chính đã có chuyển biến rõ nét. Cải cách thể chế được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả, tiếp tục cắt giảm mạnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến quốc gia.
Tính đến ngày 30-11-2022, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản quy phạm pháp luật; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 đạt 98% (chiếm 55,7% tổng số thủ tục hành chính); 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống “một cửa”, “một cửa liên thông”, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính...
Bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành Nội vụ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, nhất là trong ngành y tế, giáo dục. Việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng, nhưng chưa gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành của ngành Nội vụ triển khai còn chậm, chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong công tác tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã tham luận về công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận những kết quả ngành Nội vụ đạt được trong năm 2022.
Nhận định năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng của ngành Nội vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo là phải góp phần xây dựng được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể và lấy sự hài lòng của họ làm thước đo hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trong ngành Nội vụ.
Ngành Nội vụ tham mưu đẩy mạnh đôn đốc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, trong đó, phân cấp, phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực của cán bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra; đồng thời, tiếp tục rà soát những quy định liên quan đến cán bộ, chính sách về cán bộ. Cùng đó, cần đổi mới, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức theo hướng đồng bộ, thống nhất, xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng lưu ý, cần rà soát, sàng lọc, nâng cao chất lượng cán bộ; nghiên cứu, thực hiện luân chuyển cán bộ. Đặc biệt, khẩn trương ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; thu hút, trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; có cơ chế, chính sách phù hợp để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác. Sớm hoàn thiện mô hình công vụ theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức và tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo quản lý các cấp.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; điều chỉnh, bổ sung tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ, tính chuyên nghiệp của cán bộ; tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện thể chế tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; sơ kết thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu, xây dựng các quy định vừa bảo đảm yêu cầu chung, vừa phù hợp đặc thù từng địa bàn.
Đặc biệt, ngành Nội vụ cần triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030. Phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường chuyển đổi số hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số…
“Với truyền thống, sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Nội vụ, công tác nội vụ sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, vì nhân dân Việt Nam hạnh phúc, ấm no”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước. Cơ sở dữ liệu này dự kiến quản lý gần 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.
Trong dịp này, 15 tập thể đã được nhận Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; 31 tập thể được nhận Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.