Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao

Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 29/03/2012

(HNM) - Hà Nội sẽ hình thành những vùng chuyên canh chất lượng cao như lúa hàng hóa, cây ăn quả đặc sản, hoa cây cảnh cao cấp, các mô hình kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái… tiến tới sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị cao.


Cơ giới hóa trong nông nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, sức lao động. Ảnh: Chí Lâm

Nâng cao giá trị sản xuất

Thực hiện mở rộng địa giới hành chính đã tạo cho Hà Nội rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp toàn diện, đa dạng cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao. Tuy nhiên, nông nghiệp Hà Nội phải đối diện nhiều khó khăn khi đất đai ngày càng thu hẹp, cơ cấu trong nông nghiệp chuyển dịch còn chậm, thiếu vững chắc, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng phát triển nông nghiệp đô thị. Để khắc phục những hạn chế này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho biết: Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV và triển khai Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và từng bước nâng cao đời sống nông dân. Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng nông nghiệp hằng năm đạt 2-2,5%, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 210,3 triệu đồng/ha. Đổi mới hoạt động dịch vụ nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM… Ngành nông nghiệp đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đến năm 2015 điều chỉnh cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp theo tỷ lệ trồng trọt 40%, chăn nuôi 50%, thủy sản 10% và đến năm 2020, trồng trọt chiếm 34,5%, chăn nuôi 54%, thủy sản 11,5%. Giá trị sản xuất bình quân/1ha đất nông nghiệp năm 2015 là trên 231 triệu đồng, năm 2020 là trên 340 triệu đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, sản xuất hàng hóa chất lượng cao ATVSTP, phát triển du lịch và xây dựng NTM. Thực hiện theo quy hoạch, các vùng sản xuất hàng hóa sẽ nằm liền kề các khu đô thị, khu kinh tế trọng điểm. Với đặc điểm địa hình, Hà Nội được chia thành 3 vùng sinh thái đồi gò, vùng bãi ven sông và vùng đồng bằng từ đó sẽ hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa tập trung mang đặc trưng riêng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phát triển theo hướng tập trung, hàng hóa chất lượng cao và ATVSTP. Vùng sản xuất rau an toàn (RAT), rau cao cấp được bố trí tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì; khu vực ven sông Đáy và bãi sông Hồng thuộc một số huyện như Đan Phượng, Chương Mỹ, Thường Tín… Đến năm 2020, diện tích gieo trồng rau, đậu thực phẩm các loại phát triển lên 34.000ha, sản lượng 680 nghìn tấn, cơ bản sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, trong đó quy hoạch các vùng sản xuất RAT tập trung khoảng 6.600ha. Vùng hoa cây cảnh sẽ tập trung ở các huyện Mê Linh, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn... Phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt khoảng 10.000-12.000ha với các giống hoa cao cấp. Hà Nội sẽ ổn định diện tích lúa từ 90.000-92.000ha đến năm 2020. Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao được bố trí tập trung ở các huyện có thế mạnh thâm canh lúa như Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai… Năm 2015 sẽ đạt tỷ lệ 70-80% lúa gạo chất lượng cao. Vùng cây ăn quả tập trung phát triển cây đặc sản chủ lực với 16.000ha vào năm 2020 ở vùng bãi ven sông Hồng, sông Đáy. Vùng trồng chè chủ yếu ở các xã đồi gò huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ.

Trong nông nghiệp, thu nhập từ chăn nuôi sẽ tăng nhanh tỷ trọng, hình thành các vùng nuôi tập trung, vùng trũng sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản, hình thành trang trại thu nhập cao. Hà Nội sẽ đầu tư cho những vùng hàng hóa lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ, trình độ thâm canh để bảo đảm cân đối đủ sản lượng lương thực, nông sản thực phẩm sạch và tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch.

Như vậy nông nghiệp Hà Nội sẽ sản xuất những mặt hàng nông sản thế mạnh theo từng vùng để cung cấp cho thị trường Thủ đô sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú.

Thực hiện những giải pháp đột phá

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới" Nguyễn Công Soái khẳng định: Muốn tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp cần sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành và các địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích sản xuất phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Để đạt mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, huy động các nguồn lực đầu tư làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao cuộc sống cho người dân.

Trước hết, để hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao phải quyết liệt thực hiện việc dồn điền đổi thửa, khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún. Thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống giao thông, thủy lợi, đó chính là tiền đề giúp cho áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Đề án cơ giới hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 của Hà Nội đặt mục tiêu cơ giới hóa làm đất đạt 90-95% diện tích; khâu gieo cấy đạt 40-45%; khâu thu hoạch đạt 45-50%; từng bước áp dụng cơ giới hóa trong khâu bảo quản, chế biến nông sản. Đối với ngành chăn nuôi, thủy sản, phấn đấu cơ giới hóa chăn nuôi bò sữa đạt 60% tổng đàn; chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 30% trang trại áp dụng cơ giới hóa...

Để chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hà Nội tiến hành xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thành lập trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Dự kiến quy hoạch khu công nghệ cao tại vùng bãi sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức với quy mô 300-600ha. Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao có bố trí khu nghiên cứu, thực nghiệm; khu sản xuất; trình diễn giới thiệu sản phẩm, đào tạo chuyển giao KHCN; khu du lịch sinh thái gắn với môi trường. Qua đó mở rộng ứng dụng khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi; các tiến bộ kỹ thuật canh tác; tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ sinh học. Định hướng lâu dài cho khu nông nghiệp công nghệ cao là gắn với du lịch sinh thái và các sản phẩm có giá trị phục vụ nhiều đối tượng xã hội. Tuy nhiên, khó nhất và cũng là thách thức lớn của nông nghiệp Hà Nội là xây dựng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ.

Dự kiến tổng số vốn đầu tư phát triển nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2010-2020 cần khoảng 41.000 tỷ đồng. Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012-2016, trong đó cụ thể về cơ chế hỗ trợ dồn điền đổi thửa, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, cơ giới hóa trong nông nghiệp, hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ kinh doanh thực phẩm an toàn... cũng như có cơ chế hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đặc biệt, thành phố sẽ sớm ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân, huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM. Cùng với đó, ngành nông nghiệp Thủ đô cần triển khai nhanh các đề án về cơ giới hóa; phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao; sản xuất tiêu thụ RAT, phát triển hoa cây cảnh... Đồng thời phải tăng cường năng lực dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, thực hiện tốt liên kết 4 nhà, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất nông nghiệp.

Đào Huyền