10 năm chờ câu trả lời

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:09, 29/03/2012

(HNM) - Dự án nâng cấp, mở rộng đường 21B hoàn thiện đã 10 năm, đến nay người dân vẫn gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng, mong nhận được quyền lợi chính đáng. Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền giải quyết lại "quên" trả lời dân...

Chỉ cho chúng tôi phần đất ở ngay trước cửa nhà đã bị thu hồi từ năm 2002, ông Trương Văn Trường, ở số nhà 115, tổ dân phố 2, thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) trình bày nỗi ấm ức đeo đẳng suốt 10 năm qua: Khi thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường 21B, đất của gia đình tôi nằm ngay sát mé đường. Hội đồng GPMB huyện Thanh Oai đã lập biên bản với nội dung: "Nếu gia đình có đủ căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất thì sẽ được bồi thường phần diện tích đã giải tỏa". Tôi đã nhiều lần làm đơn và được UBND thị trấn Kim Bài xác nhận phần đất của gia đình thể hiện trên bản đồ năm 1927 và 1963.

Phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai và được cung cấp thông tin: Năm 2000, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định 127/2000/QĐ-UB, phê duyệt phương án bồi thường GPMB để mở rộng quốc lộ 21B. Theo phương án đã ban hành, đất thổ cư tại thị trấn Kim Bài được bồi thường mức giá 1 triệu đồng/m2. Do chưa được bồi thường phần đất bị thu hồi nên ông Trường và một số hộ dân khác ở cùng khu vực đó chưa bàn giao mặt bằng. Ngày 13-1-2002, Hội đồng GPMB huyện lập biên bản xác định diện tích nằm trong phạm vi giải tỏa của gia đình ông Trường là 82,26m2, nếu chứng minh được quyền sử dụng đất hợp pháp sẽ được bồi thường. Mặc dù dự án đường 21B đã hoàn thiện, nhưng nhiều năm sau, Hội đồng GPMB huyện Thanh Oai vẫn chưa trả lời kiến nghị của người dân về công tác bồi thường. Đến năm 2009, sau khi Phòng Tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội có phiếu hướng dẫn giải quyết đơn của ông Trường thì UBND huyện Thanh Oai mới thành lập tổ công tác, tái "khởi động" quy trình giải quyết đơn của công dân, giao Phòng Công thương chủ trì. Tổ công tác thống nhất cùng gia đình ông Trường căn cứ vào hệ bản đồ năm 1997 làm cơ sở pháp lý cho việc xem xét bồi thường. Quá trình xác minh, tổ công tác rà soát lại toàn bộ hệ thống bản đồ, nhưng bản đồ năm 1927 và 1963 là hệ bản đồ "câm", không thể hiện diện tích, không có sổ mục kê, vì vậy UBND thị trấn chỉ xác nhận rất chung chung về quá trình sử dụng đất của ông Trường. Tại sổ mục kê năm 1979, thửa đất mang tên cụ Tống và cụ Thường (cụ Tống là cha đẻ của ông Trường), ghi diện tích 850m2 nhưng lại không có bản đồ. Đến bản đồ và sổ mục kê năm 1997, diện tích đất của ông Trường thể hiện tại thửa số 06, diện tích 407m2. Trong các bản đồ nêu trên đều thể hiện đường 21B chạy qua thửa đất của ông Trường, nhưng diện tích lưu không thể hiện không đầy đủ và số liệu về chiều rộng mặt đường cũng bất nhất. Cụ thể: bản đồ năm 1927, 1963 đường rộng 8m, bản đồ năm 1985 đường rộng 10m nhưng bản đồ năm 1997 lại chỉ còn 6m (?). Tháng 7-2009, cơ quan có trách nhiệm của huyện Thanh Oai đo đạc, xác định hiện trạng sử dụng đất của gia đình ông Trường là 474m2. Đối chiếu với số liệu ghi trong bản đồ năm 1997 thì diện tích đất gia đình ông Trường sử dụng tăng lên 67m2 nên không có cơ sở xem xét bồi thường về đất cho ông Trường. Tuy nhiên, kết quả xác minh này chưa được Phòng Công thương báo cáo UBND huyện và từ đó đến nay việc trả lời "rơi" vào im lặng! Về vấn đề này, ông Lê Huy Hạnh, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai nhận khuyết điểm: "Do bận nhiều việc nên tổ công tác quên, chưa trình UBND huyện kết quả xác minh. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo để UBND huyện ban hành văn bản trả lời người dân".

Với một hệ thống bản đồ không đầy đủ, "tiền, hậu bất nhất", chiều rộng mặt đường và diện tích lưu không không đồng nhất, vì sao Hội đồng GPMB huyện Thanh Oai không rà soát, xác định chính xác thực trạng sử dụng đất của các hộ ngay từ thời điểm GPMB? Phải chăng nguyên nhân là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng huyện Thanh Oai?

Thiện Mỹ