Đồng chí Lê Văn Lương - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 06:42, 28/03/2012

Hôm nay 28-3, tròn 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2012) - nhà lãnh đạo xuất sắc, mẫu mực của Đảng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 70 năm liên tục phấn đấu, hy sinh, đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.


Đặc biệt, trong 10 năm liên tục đảm đương trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương đã có những đóng góp quý báu cho công cuộc xây dựng, phát triển của Thủ đô, để lại dấu ấn tốt đẹp và kỷ niệm không phai mờ trong lòng cán bộ, nhân dân Hà Nội.


Đồng chí Lê Văn Lương với các đại biểu dự Đại hội lần thứ IX (vòng 1) Đảng bộ TP  ở CLB Lao động,ngày 11-1-1982.

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh trưởng trong một gia đình Nho học yêu nước tại làng Xuân Cầu (Nghĩa Trụ - Văn Giang - Hưng Yên), nhưng tuổi trẻ lại gắn bó với Hà Nội từ khi học Trường Bưởi và cũng từ mái trường nổi tiếng này, năm 1927, đồng chí bước vào con đường cách mạng. Gần 70 năm liên tục phấn đấu, hy sinh cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước giao đảm trách nhiều vị trí lãnh đạo: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tổ chức TƯ; Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc… Đặc biệt, suốt 10 năm (1976-1986) liên tục làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí đã mang hết tâm trí cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Đứng mũi chịu sào trong điều kiện hết sức khó khăn, vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, cải thiện đời sống nhân dân, vừa từng bước xây dựng Hà Nội cho xứng với vị thế mới, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, tìm mọi cách tháo gỡ trở ngại để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Nắm vững chủ trương của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào điều kiện đặc thù của Hà Nội, đồng chí luôn giữ vững quan điểm “phát huy nội lực Thủ đô”, lấy sản xuất làm gốc để giải quyết các vấn đề nhức nhối trên mặt trận phân phối lưu thông. Mặt khác, đồng chí chủ trương nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tiềm năng và sức sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân Hà Nội, đồng thời kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở ở cấp phường, quận; tập trung sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Thành ủy và UBND TP trong những lĩnh vực khó khăn gay gắt nhất. Kiên định chủ trương này, trong nhiều cuộc họp của Thành ủy, đồng chí nêu rõ: “Đây là những việc mà địa phương phải nỗ lực làm, không thể ỷ lại cấp trên làm thay được”. Phát biểu với TƯ, đồng chí khẳng định: Tôi nghĩ rằng, đặc biệt trong bước đi ban đầu ở nước ta càng phải hết sức phát huy tiềm năng của địa phương, trên cơ sở đó mới tính đúng được phần đầu tư của TƯ, tuy phần đầu tư này rất to lớn.

Với quan điểm đó, đồng chí đồng ý cho Thành đoàn Hà Nội tung lực lượng xung kích đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, lao động ở nông trường Ba Vì, mỏ than Quảng Ninh rất có hiệu quả. Đặc biệt, đồng chí đã đề xuất xóa bỏ các trạm kiểm soát tại các cửa ngõ vào Thủ đô để cho hàng hóa được lưu thông, xóa bỏ tem phiếu cung cấp hàng hóa để từng bước xóa bỏ bao cấp. Một số cơ sở kinh tế mũi nhọn trong các ngành công - thương nghiệp - nông nghiệp được Thường vụ Thành ủy chỉ đạo cho làm thí điểm, tự cởi trói theo tinh thần Nghị quyết TƯ 6 (khóa IV) có hiệu quả tốt. Đó là thực tế sinh động khi nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, hợp lòng dân và là những căn cứ quan trọng, góp phần cho TƯ ra những chủ trương mới để từng bước tiến tới đổi mới, “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền từ ngày 14-9-1985 dưới sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của TƯ thực sự là cuộc khảo nghiệm nhằm đi tới nhất quán trong Đảng chủ trương: Kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trì trệ. Đó là thực tế hiển nhiên để TƯ Đảng quyết tâm mở ra đường lối đổi mới.

Song song với phát triển kinh tế, đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ đạo thành công việc cải tạo hạ tầng đô thị. Hạ tầng GTVT được mở mang với những công trình trọng điểm: Cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, sân bay Nội Bài... Nhiều khu nhà cao tầng đã mọc lên ở nội thành và các cửa ô, đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho công nhân, viên chức... Để Thành ủy Hà Nội có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền phù hợp với sự phát triển đô thị, đồng chí trực tiếp đi khảo sát mô hình xây dựng chính quyền cấp quận và phường ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó, Thành ủy đã chỉ đạo làm thí điểm ở một số địa bàn như phường Cửa Nam, Kim Liên… Đây là vấn đề mới và phức tạp đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng đồng chí quyết tâm chỉ đạo chính quyền chuyển theo mô hình mới. Từ thực tiễn trên, Hà Nội góp phần quan trọng vào Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI (ngày 18-12-1980), đóng góp sửa đổi một số điều Hiến pháp mới, trong đó, ghi rõ: Bộ máy chính quyền thành phố tổ chức thành 3 cấp: TP, quận, phường.

Đồng thời với củng cố chính quyền 3 cấp, đồng chí Lê Văn Lương chú trọng lãnh đạo Đảng bộ “Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Đảng vững mạnh và trong sạch cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trọng tâm là các đảng bộ cơ sở”, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước. Đồng chí chỉ rõ những căn bệnh khó chữa của nhiều đảng viên có tư tưởng mưu danh lợi, địa vị, tự tư, tự lợi, cục bộ, địa phương bản vị không chỉ do thói quen, do lý luận kém, mà còn do chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết việc của mình, thờ ơ với việc của người khác.

Biện pháp khắc phục hiệu quả nhất, theo đồng chí: “Không phải bất kỳ ở đâu, bất kỳ chỗ nào cũng vỗ ngực nói mấy câu sáo về lập trường và quan điểm giai cấp... như thế là ba hoa hẹp hòi, không đem lại kết quả thực tế gì. Do đó, “trong công tác thực tế hằng ngày, phải theo sát tình hình, kịp thời uốn nắn những tư tưởng, hành động lệch lạc, sửa chữa những tư tưởng, hành động sai lầm”. Trung thực, thẳng thắn, gương mẫu mới thấy rõ khuyết điểm. Đồng chí đề cao vai trò của mỗi đảng viên trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống quan liêu, bảo thủ hoặc hô hào suông. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, các tổ chức cơ sở Đảng và mỗi đảng viên“phải có ý chí chiến đấu kiên cường, nhạy bén với các vấn đề mới do cuộc sống đặt ra, có đủ kiến thức để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực tế, chứ không chỉ ra nghị quyết, nêu khẩu hiệu”. Đối với Thành ủy và UBND TP, đồng chí kiên quyết yêu cầu cán bộ cải tiến lề lối làm việc “ra nghị quyết hoặc tổ chức một hội nghị cán bộ thông báo nghị quyết, thế là đã tròn nhiệm vụ... Vấn đề cơ bản vẫn là phải biến nghị quyết thành hành động cách mạng thực tiễn của đông đảo quần chúng nhân dân… Đó là một vấn đề phải dứt khoát để thanh toán hiện tượng một số nghị quyết không thực hiện được hoặc thực hiện “đầu voi đuôi chuột”.

Những căn bệnh cố hữu của một số đảng viên kém phẩm chất và biện pháp sửa chữa, khắc phục mà đồng chí Lê Văn Lương chỉ ra cách đây nửa thế kỷ đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, nóng hổi tính thời sự. Suốt đời tận tụy, trung thành cống hiến cho dân, cho Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác. Đồng chí Lê Văn Lương đi xa đã 17 năm, nhưng trong lòng người dân Thủ đô vẫn in đậm hình ảnh đồng chí Bí thư Thành ủy gần gũi, bình dị, đi kiểm tra các quầy bán lương thực, điện, nước ở các tổ dân phố, sao cho dân được cung cấp đủ gạo, mì và các nhu cầu thiết yếu. Những ngày này, tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức và tính tiên phong, gương mẫu của đồng chí Lê Văn Lương càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”, quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Hồ Quang Lợi